Khi các hành động quốc tế chống biến đổi khí hậu được tăng cường và các chuỗi giá trị toàn cầu được định hình lại, các chính sách về năng lượng sạch hiệu quả sẽ ngày càng trở thành một nguồn lợi thế cạnh tranh. Khi đó, Việt Nam, trung tâm sản xuất lớn của Châu Á và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, phải có hành động nhất quán với những xu hướng này để duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần huy động nguồn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, các chiến lược phát triển ngành cho thấy công suất phát điện sẽ tăng thêm gấp ba lần vào năm 2040, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động sản xuất điện từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Nền kinh tế Việt Nam vẫn sử dụng nhiều năng lượng, với nhiều tiềm năng tăng hiệu quả quản lý phía nhu cầu. Quy mô đầu tư vượt quá khả năng tài chính công, do đó việc thiết lập một khuôn khổ khuyến khích mạnh mẽ nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân là việc làm cấp thiết hơn bao giờ hết để nắm bắt lợi ích kinh tế của quá trình chuyển dịch năng lượng sạch.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong quá trình tạo lập thị trường điện canh tranh, mang lại cơ hội cho các đơn vị sản xuất điện độc lập và cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích mức đầu tư cao, đặc biệt đầu tư vào thị trường năng lượng mặt trời. Duy trì tăng trưởng thị trường bền vững đồng thời tích hợp tỷ trọng cao hơn các nguồn năng lượng tái tạo biến thiên và đảm bảo giảm chi phí sẽ là thách thức chính đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong thập kỷ tới. Báo cáo Đánh giá Chính sách Đầu tư và Tài chính Năng lượng Sạch tại Việt Nam của OECD nhằm hỗ trợ nỗ lực nêu trên để Việt Nam đạt được các mục tiêu năng lượng sạch quốc gia.
Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng thể về khung chính sách hiện hành của Việt Nam, nêu bật những thành công và xác định những khía cạnh có thể củng cố. Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị riêng cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển để huy động nguồn vốn và đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng sạch.
Báo cáo Đánh giá này là kết quả của cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Việt Nam và các nước thành viên OECD cùng với các bên liên quan khác về năng lượng sạch. OECD sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các khuyến nghị được nêu trong báo cáo, trong quá trình Việt Nam xây dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn, sạch hơn và bền bỉ hơn. Tôi tin tưởng rằng các nỗ lực hợp tác này sẽ giúp huy động tài chính và đầu tư tư nhân để hỗ trợ hành động vì khí hậu và phát triển bền vững.
Mathias Cormann
Tổng Thư ký, OECD