Chương này xem xét các vấn đề xuyên suốt có thể cải thiện khuôn khổ tài chính và đầu tư cho năng lượng sạch của Việt Nam, trong đó đánh giá những nỗ lực cải thiện khả năng tích hợp lưới điện trong khu vực nhằm tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch, từ đó giúp giảm chi phí của công nghệ năng lượng sạch và hỗ trợ phát triển năng lượng sạch trong nước. Chương này cũng trình bày các chương trình giáo dục và đào tạo cần thiết để phát triển các kỹ năng về tài chính và đầu tư cho năng lượng sạch cùng các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Đánh giá chính sách Đầu tư và Tài chính cho Năng lượng Sạch của Việt Nam
7. Các vấn đề xuyên suốt
Abstract
Tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã mang lại cả những cơ hội và thách thức mang tính xuyên suốt. Nếu không có kế hoạch dài hạn, kỹ lưỡng, những hạn chế về năng lực quản lý tấm quang điện cuối vòng đời có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và làm suy giảm niềm tin của công chúng vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Khi Việt Nam bước sang giai đoạn tiếp theo trong triển khai Quy hoạch Phát triển Điện 8, điều quan trọng là phải tạo môi trường thuận lợi để tránh những tác động tiêu cực này và thu được giá trị kinh tế tối đa từ việc quản lý và tái chế nguyên liệu thô. Các sáng kiến về tích hợp lưới điện trong khu vực mang lại nhiều hứa hẹn về hiệu quả về chi phí trong tích hợp năng lượng tái tạo biến thiên. Cho đến nay, mặc dù chưa tạo ra nhiều tiến triển nhưng các sáng kiến đổi mới tập trung vượt qua các thách thức để thiết lập thương mại đa phương cần được ưu tiên. Hoạt động đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch trong thập kỷ tới và định hình lại hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực. Mặt khác, đó cũng là thách thức cho các cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào các ngành công nghiệp đang giảm sút. Việt Nam cần lập kế hoạch dài hạn để hiểu rõ các khía cạnh xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng và xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Đánh giá và Khuyến nghị
Khu vực đã có những bước tiến khiêm tốn trong tích hợp hệ thống điện với các dịch vụ tài chính
Lưới điện ASEAN (APG) đang có tiềm năng trở thành nguồn tài nguyên linh hoạt (flexibility resource) chủ chốt, hỗ trợ tích hợp tỷ trọng ngày càng tăng của năng lượng tái tạo biến thiên. Cho tới nay, quá trình phát triển APG chủ yếu vẫn ở cấp độ song phương, các yếu tố hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo biến thiên (vRE) như quy định hài hòa về đấu nối và thị trường khu vực vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều có các hình thức liên kết nhất định, với hình thức mua bán điện hầu hết chỉ giới hạn ở các giao dịch một chiều thông qua các thỏa thuận mua bán điện, hoặc giao dịch mua bán điện hai chiều không có đền bù tài chính. Các đường dây truyền tải liên kết xuyên biên giới với hoạt động mua bán điện đa phương, đa chiều trong khu vực ASEAN có thể giúp thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài sản và chia sẻ tài nguyên, đem lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như toàn khu vực. Sự tham gia của Việt Nam có thể góp phần củng cố quá trình phát triển của APG, đồng thời hỗ trợ tích hợp tỷ trọng ngày càng tăng của năng lượng tái tạo theo Quy hoạch phát triển điện lực (PDP) VIII, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời theo cách thức tiết kiệm, tin cậy và bền vững với môi trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, quá trình tích hợp các dịch vụ tài chính trong Cộng đồng kinh tế ASEAN mới chỉ đạt được những bước tiến hết sức khiêm tốn. Khi chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn BASEL II, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội nắm bắt lợi ích từ quá trình hội nhập tăng cường thông qua Khung hội nhập ngân hàng ASEAN. Việc mở cửa cạnh tranh trong ngành sau khi các ngân hàng Việt Nam đã có đủ năng lực có thể thúc đẩy cao hơn hiệu quả ngành, chuyển giao công nghệ và chuyên môn, đầu tư từ nước ngoài và đa dạng hóa hình thức bảo lãnh cho khách hàng.
Quá trình đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng vững chắc cơ cấu pháp lý vững chắc trong thập kỷ qua và có thể tăng tốc nhờ những hỗ trợ có trọng tâm
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và môi trường kinh doanh để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc điều chỉnh quy định về quyền sở hữu trí tuệ theo chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các công ước và hiệp ước quốc tế. Đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch là điều đặc biệt quan trọng khi các điều kiện trong nước yêu cầu các giải pháp kỹ thuật phải phù hợp với từng quốc gia. Tại Đông Nam Á, công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những thách thức mới do những yếu tố như động đất, sóng thần, bão cùng các điều kiện địa hình khác với ở châu Âu - nơi tập trung chủ yếu những đổi mới sáng tạo trước đây trong ngành này1. Khi điện gió ngoài khơi đạt được những bước tiến mới, hỗ trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ có cơ hội giúp giảm chi phí năng lượng và tạo ra giá trị trong nước thông qua các giải pháp kỹ thuật thương mại hóa hoặc các quy trình, kỹ thuật hiệu quả hơn. Hoạt động đổi mới tại các mảng khác của lĩnh vực năng lượng sạch cũng có thể mang lại lợi ích, đặc biệt là việc mở rộng quy mô các chương trình đổi mới thí điểm do EVN chủ trì nhằm hỗ trợ quá trình tích hợp năng lượng tái tạo biến thiên. Những chương trình này bao gồm dự án thí điểm mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và dự án quản lý nhu cầu phụ tải, đều đã được thử nghiệm thành công. Các giải pháp đổi mới nhằm tích hợp các dòng chất thải từ tấm pin quang điện vào chuỗi giá trị tái chế hiện có cũng sẽ là một khía cạnh quan trọng khác được hưởng lợi từ việc lập kế hoạch dài hạn và khung hỗ trợ có mục tiêu.
Cần ưu tiên đảm bảo quá trình chuyển dịch công bằng và toàn diện
Để có được một quá trình chuyển dịch năng lượng sạch toàn diện, cần ưu tiên đảm bảo các cộng đồng địa phương cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư năng lượng sạch trên địa bàn. Không nên coi mối liên hệ giữa triển khai năng lượng tái tạo và sự phát triển kinh tế theo hướng nghiên cứu - phát triển, hay giữa kiến tạo việc làm và nâng cao vị thế của khu vực nông thôn là tất yếu. Khung chính sách có mục tiêu cùng với chiến lược dài hạn là những yếu tố tối quan trọng để giúp các cộng đồng nhận được lợi ích từ quá trình chuyển dịch năng lượng sạch transition (Clausen and Rudolph, 2020[1]). Cần ưu tiên thiết lập lộ trình chính sách cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng xã hội, bao gồm tăng cường tối đa lợi ích chung từ năng lượng tái tạo biến thiên, phát triển công nghiệp xanh và tạo công ăn việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch và mở rộng cơ hội tiếp cận năng lượng sạch. Việt Nam cũng có thể cân nhắc đưa vào khung đấu thầu dành cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn những cơ chế với mục tiêu phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội của địa phương, chẳng hạn như khuyến khích sự tham gia của cộng đồng (DIIS, 2021[2]).
Mặc dù hoạt động sản xuất điện tại Việt Nam trong các thập kỷ tới sẽ vẫn phụ thuộc vào than, nhưng chính phủ cần tính toán sẵn sàng cách thức chuyển dịch cho những khu vực phụ thuộc chủ yếu vào khai thác than khi ngành này đi vào suy thoái. Việc tái cơ cấu ngành trên quy mô khu vực là một quá trình dài hạn và phải mất hàng thập kỷ để thực hiện. Việt Nam có thể xây dựng tầm nhìn dài hạn cho quá trình dịch chuyển nền kinh tế và xây dựng lại kỹ năng cho đội ngũ lao động bị ảnh hưởng để tìm ra giải pháp hỗ trợ các cộng đồng địa phương, đồng thời hỗ trợ các hoạt động kinh tế đang hình thành, chẳng hạn như các chuỗi giá trị về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể giúp thúc đẩy thêm đầu tư vào năng lượng sạch
Để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng bao trùm về giới, sẽ cần từng bước lồng ghép giới vào các nỗ lực giảm thiểu. Việc tăng cường sự đa dạng về giới trong các đội ngũ lãnh đạo sẽ giúp cải thiện chất lượng của hoạt động đổi mới và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp, sau cùng là giúp các nền kinh tế khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đổi mới nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển, Việt Nam có một trong những môi trường kinh doanh cởi mở nhất với phụ nữ, song các doanh nhân nữ vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và các mạng lưới kinh doanh. Thu thập dữ liệu phân tách theo giới là bước đầu tiên giúp tìm ra các vấn đề và xác định các cơ hội mới. Việt Nam nên được biểu dương với hoạt động thiết lập các Chỉ số Thống kê Quốc gia về phát triển giới nhưng cũng cần thực hiện thêm một bước nữa để xác định các chỉ số về sự tham gia của phụ nữ trong các nỗ lực giảm thiểu và về hoạt động cho vay vốn đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Vấn đề đa dạng về giới nên được ưu tiên trong các hoạt động huy động đầu tư và cấp vốn cho lĩnh vực năng lượng sạch bằng cách tăng cường hỗ trợ đầu tư qua lăng kính giới (gender lens investing), từ đó đưa đa dạng giới lên làm vấn đề ưu tiên trong việc ra quyết định đầu tư, đồng thời áp dụng các chiến lược cho vay ưu tiên giới tại các ngân hàng. Tại Việt Nam, đã có nhiều hiệp hội hỗ trợ thành công các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thông qua các cơ hội kết nối, cố vấn và đào tạo. Có thể củng cố thêm hoạt động này bằng cách phát triển các mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.
Các chương trình mở rộng về phát triển kỹ năng kỹ thuật và cơ chế tài chính xanh sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và tạo đưa việc làm xanh về địa phương
Cũng giống như tại các nền kinh tế OECD, tài chính bền vững là một lĩnh vực mới trong đó các thông lệ tốt nhất vẫn đang thay đổi và thị trường đang thích ứng để phát triển các kỹ năng và chuyên môn cần thiết. Để tích hợp các hệ thống quản lý môi trường và xã hội, các ngân hàng sẽ phải không ngừng nâng cao năng lực, cụ thể là trong việc sử dụng các công cụ định lượng để phân tích rủi ro môi trường. Tính đến nay, các cơ cấu tài trợ dự án miễn truy đòi hoặc hạn chế truy đòi rất hiếm khi được áp dụng cho lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Việc tăng cường áp dụng các cơ cấu này sẽ hỗ trợ nâng cao hoạt động đầu tư trong nước vào lĩnh vực năng lượng sạch. Việc tài trợ dự án đòi hỏi phải có các nhóm chuyên trách và quy trình bảo lãnh để thực hiện thẩm định chuyên sâu đối với các dự án được xem xét, đánh giá rủi ro về dòng tiền, xây dựng cấu trúc và giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch. Chính phủ cần cân nhắc hỗ trợ phát triển kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo có mục tiêu trong lĩnh vực này. Giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề cũng là lĩnh vực chủ chốt trong đó các hoạt động đã đi vào triển khai thông qua phối hợp với nhiều đối tác phát triển. Với tốc độ phát triển của nền kinh tế xanh, cụ thể là trong lĩnh vực năng lượng sạch, sẽ có nguy cơ xảy ra sự mất cân đối thị trường lao động, kìm hãm sự phát triển của thị trường. Phương pháp phát triển từng phần các kỹ năng xanh thông qua các chương trình được chia nhỏ có thể làm tăng thêm nguy cơ này. Việt Nam hiện chưa có chiến lược phát triển các kỹ năng xanh giúp đánh giá nhu cầu phát triển kỹ năng, cũng như các hoạt động xây dựng cấu trúc dài hạn theo hướng tiếp cận tích hợp hơn tương ứng với quy hoạch ngành.
Hộp 7.1. Các khuyến nghị chính sách chính về vấn đề hoạt động xuyên suốt
Đẩy nhanh quá trình tích hợp lưới điện khu vực hướng tới mục tiêu kinh doanh điện đa phương theo sáng kiến Lưới điện ASEAN. Điều này đóng vai trò tối quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu dịch vụ linh hoạt cần thiết nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo biến thiên trong giai đoạn Quy hoạch điện VIII.
Đưa ra hỗ trợ có trọng tâm trong việc đổi mới sáng tạo lĩnh vực năng lượng sạch để giảm chi phí sản xuất và hỗ trợ tạo giá trị trong nước. Điều này có thể đặc biệt có ý nghĩa đối với ngành điện gió ngoài khơi, vốn cần có các giải pháp kỹ thuật sáng tạo để thích ứng với điều kiện môi trường địa phương.
Bắt đầu lập kế hoạch và triển khai khung hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp nội địa tái chế tấm pin quang điện dựa trên kinh nghiệm của EU và các thị trường đã phát triển.
Thu thập dữ liệu phân tách theo giới về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng sạch để lồng ghép giới vào các nỗ lực giảm thiểu đồng thời khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đổi mới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng sạch. Xây dựng các công cụ đầu tư qua lăng kính giới và chiến lược cho vay ưu tiên giới nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ thực hiện vai trò chủ động trong các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Xây dựng chiến lược tích hợp về giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề cho ngành năng lượng sạch hoặc cho nền kinh tế xanh nói chung nhằm định hướng hoạt động đầu tư và phát triển chương trình.
Mở rộng các chương trình phát triển kỹ năng trong lĩnh vực ngân hàng để xây dựng, tích hợp các hệ thống quản lý môi trường, xã hội và cơ chế huy động vốn dự án miễn truy đòi hoặc hạn chế truy đòi.
Hội nhập khu vực
Hoạt động mua bán điện trong khu vực có thể hỗ trợ quá trình tích hợp nguồn năng lượng tái tạo biến thiên đem lại hiệu quả về chi phí
Việc tăng cường hội nhập thị trường điện khu vực đem đến một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam và các nước láng giềng trong khu vực. Việc mua bán điện giữa các quốc gia cho phép khai thác mang tính bổ sung lẫn nhau nguồn lực vốn có và tài sản hệ thống điện của mỗi quốc gia, đồng thời hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo biến thiên (vRE) vào hệ thống một cách an toàn, đạt hiệu quả về chi phí. Việt Nam có thể cho phép xuất khẩu năng lượng tái tạo dư thừa trong thời kỳ cung vượt quá cầu, đồng thời cho phép tiếp cận các nguồn cung linh hoạt hơn, cụ thể là thủy điện từ các nước khác để hỗ trợ cân bằng hệ thống. Hoạt động mua bán điện trong khu vực đã trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy chủ chốt giúp duy trì chất lượng điện và an ninh năng lượng trong các hệ thống điện đang có tỷ trọng năng lượng tái tạo biến thiên ngày càng tăng cao. Điều này đã được thể hiện đặc biệt rõ ràng ở EU với các giao dịch điện đa phương tại thị trường Nord Pool. Chính phủ Việt Nam hiện đang tham gia vào hai sáng kiến khu vực dài hạn hướng tới hội nhập thị trường điện bao gồm Lưới điện ASEAN (APG) với mục tiêu kết nối thị trường năng lượng của 10 quốc gia thành viên ASEAN và chương trình Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (GMS) với sự tham gia của Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Cả GMS và APG đều đang ở giai đoạn sơ khai, trong đó hầu hết các giao dịch đều chỉ có tính chất song phương, một chiều và có rất ít sự phối hợp do cả hai sáng kiến khu vực này phục vụ mục tiêu của các bên liên quan khác nhau. Việt Nam hiện đang tiến hành giao dịch song phương về điện với các nước láng giềng thông qua các thỏa thuận mua bán điện dài hạn sử dụng hai hình thức truyền tải liên kết qua biên giới. Hình thức thứ nhất là truyền tải điện từ một số nhà máy điện cao thế cụ thể, với có hai đường dây liên kết nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện Xekaman 1, 3 của Lào (quy mô lần lượt là 290 MW và 250 MW) do Việt Nam tài trợ chính. Việt Nam hiện đang phối hợp với Lào tiến hành quy hoạch thêm các dự án thủy điện (Xekaman 4 và Nậm Mô) trong những năm tới theo biên bản ghi nhớ hợp tác được ký năm 2016 với mục tiêu thúc đẩy “hợp tác và phát triển các dự án thủy điện, liên kết các hệ thống điện và hoạt động mua bán điện” (EVN, 2017[3]). Hình thức liên kết thứ hai là xuất nhập khẩu điện lưới giữa hệ thống điện của hai nước láng giềng. Việt Nam hiện có hai đường dây cao thế ở miền Bắc để mua bán điện với Trung Quốc với công suất truyền tải là 300 MW và 200 MW và một đường dây liên kết điện cao thế mua bán điện với Campuchia với công suất truyền tải là 200MW.
Việc mua bán điện song phương trong các khu vực thuộc APG và GMS tạo ra nền tảng ban đầu quan trọng cho quá trình hội nhập sâu rộng vào thị trường điện, nhưng việc chuyển sang các thỏa thuận mua bán đa phương sẽ giúp các quốc gia hiện thực hóa đầy đủ hơn nữa hiệu quả chi phí và các lợi ích an ninh năng lượng mà hoạt động này có thể mang lại. Hành trình đạt tới thị trường điện đa phương sẽ có rất nhiều thách thức liên quan đến chính trị, kỹ thuật và thể chế. Các thị trường điện trong khu vực đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển với các cơ cấu quy định (về hoạt động mua bán điện, giá cả và các cơ chế, chính sách hỗ trợ), các yêu cầu về mặt kỹ thuật (như điện áp và tần số vận hành) của mỗi quốc gia là khác nhau, đòi hỏi phải có một quá trình hài hòa hóa. Ngoài ra, cũng cần có sự thống nhất về việc chia sẻ dữ liệu và thông tin - điều mang tính chất chính trị cao và có liên quan đến cơ sở hạ tầng thiết yếu nhạy cảm (Hình 7.1). Sự tham gia của Việt Nam vào giai đoạn sơ khai và có phần rời rạc hiện tại của hai sáng kiến này có thể giúp đẩy mạnh quá trình phát triển đang diễn ra, có tiềm năng hỗ trợ, mang lại sự phối hợp tốt hơn giữa hai sáng kiến.
Tính đến thời điểm hiện tại, các hoạt động trong khuôn khổ GMS và APG đã đạt được một số bước tiến nhất định. Thông qua chương trình GMS, quy định dự thảo về đấu nối hài hòa và phương thức truyền tải điện dự thảo đã được ra đời. Tuy các quy định này chưa chính thức triển khai nhưng quá trình phát triển bao gồm năm trên tổng số mười quốc gia thành viên ASEAN đã cho thấy đây có thể là tiền đề khả quan cho việc xây dựng một bộ quy tắc đấu nối hài hòa cho toàn bộ khu vực ASEAN (IEA, 2019[4]). Việt Nam cũng đang thúc đẩy các kế hoạch tự do hóa và phát triển thị trường điện với khung thời gian cụ thể cho từng hoạt động trong những năm tới để chuyển sang thị trường điện bán buôn và bán lẻ tự do hóa hoàn toàn (xem chương 3). Việc thiết lập thị trường điện quốc gia mạnh mẽ và hiệu quả là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường khu vực. Dự án Kết nối Điện giữa CHDCND Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore (LTMS-PIP) có thể đóng vai trò nền tảng giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập vào thị trường điện. Trong khuôn khổ vận hành hiện tại của LTMS–PIP, CHDCND Lào sẽ bán điện cho Malaysia qua Thái Lan - quốc gia có vai trò trung chuyển, truyền tải. Tuy nhiên, trong 2 năm tới (2022-2024), chương trình sẽ được mở rộng thêm với việc Singapore xác nhận tham gia vào năm 2020. Hiện tại, Thái Lan đang là quốc gia “trạm trung chuyển” chính nền tảng này, tuy nhiên, các hạng mục đã bắt đầu được triển khai theo LTMS–PIP, chẳng hạn, việc xây dựng phương pháp tính phí truyền tải và các hoạt động đàm phán, sẽ được thực hiện trong hai năm tới có thể giúp hình thành một nền tảng chung hơn cho thị trường đa phương trong khu vực mà Việt Nam có thể hưởng lợi trong trung và dài hạn.
Hội nhập từng bước vào tài chính khu vực có thể đem lại hiệu quả và dòng vốn mạnh mẽ hơn
Kể từ năm 2003, các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã cam kết mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực thông qua tầm nhìn về một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) “đưa ASEAN trở thành khu vực luân chuyển tự do các loại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng và dòng vốn tự do hơn”. Lộ trình để đạt được tầm nhìn trên về AEC đã được đề ra trong bản Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint) và các bước để hội nhập thị trường tài chính đã được xây dựng chi tiết hơn trong Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ trong ASEAN (RIA-FIN). Các hoạt động trong RIA-FIN được sắp xếp xoay quanh ba chủ đề là tự do hóa dịch vụ tài chính, phát triển thị trường vốn và tự do hóa tài khoản vốn (loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và hạn chế dòng vốn).
Đến cuối năm 2015, các quốc gia thành viên ASEAN đã hoàn thành 87% tất cả các biện pháp theo Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC và AEC đã chính thức được thành lập (Rillo, 2018[5]). Mặc dù đã đạt được những thành tựu như vừa nêu, quá trình hội nhập tài chính, không chỉ giữa Việt Nam và các nước láng giềng ASEAN mà còn trong toàn khu vực vẫn còn rời rạc, đặc biệt là so với những bước tiến đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực tự do hóa thương mại (Thanh, 2015[6]). Tình trạng này có thể xuất phát từ tâm lý cẩn trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính tại Châu Á vào cuối những năm 1990 và sự cần thiết phải có một cách tiếp cận dài hạn theo từng bước do sự khác biệt trong việc xây dựng quy định, chính sách giữa các quốc gia thành viên. Việc tăng cường hội nhập tài chính có thể đem đến lợi ích cho Việt Nam dưới nhiều hình thức, bao gồm thu hút dòng vốn lớn hơn, cải thiện hiệu quả phân bổ vốn và chi phí huy động vốn thông qua sự cạnh tranh gay gắt hơn, khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô cao hơn, hoạt động chuyển giao công nghệ và chuyên môn quản lý. Tuy nhiên, việc tiến hành hội nhập trước khi thị trường tài chính và hệ thống quy định, chính sách cũng như cơ chế quản trị được phát triển đầy đủ cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Trong trường hợp này, sự liên kết giữa các thị trường có thể chống lại sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô khi các cú sốc bên ngoài dễ dàng lan rộng hơn trong khu vực, đặc biệt là khi các lựa chọn đa dạng hóa rủi ro bị hạn chế (Stiglitz, 2010[7]). Điều này có thể đúng với Việt Nam trong ngắn hạn khi thị trường vốn tiếp tục phát triển và ngành ngân hàng phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng nợ đạt đỉnh điểm vào năm 2012.
Việc tiếp tục tập trung vào tăng cường hội nhập tài chính sau năm 2015 đã được tái khẳng định trong bản cập nhật Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC cho giai đoạn đến năm 2025, trong đó, giữa các lĩnh vực hội nhập, ưu tiên các biện pháp để đạt được “vai trò gia tăng của các ngân hàng bản địa ASEAN, thị trường bảo hiểm tích hợp hơn và có thêm các thị trường vốn được kết nối”. Việc gia tăng số lượng các ngân hàng ASEAN đạt tiêu chuẩn (QAB) là mục tiêu hàng đầu. Khái niệm QAB được giới thiệu trong Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN được phê duyệt năm 2014. Tùy thuộc vào kết quả đàm phán các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia thành viên, các ngân hàng có khả năng đáp ứng các điều kiện tiên quyết về các chỉ số liên quan đến quyền sở hữu đa số thuộc ASEAN, tỷ lệ an toàn vốn và các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp sẽ được công nhận là QAB và nhận được ưu đãi theo khung pháp lý ngang bằng với các ngân hàng trong nước. ABIF xây dựng khả năng linh hoạt nhằm ghi nhận mức độ sẵn sàng của từng quốc gia thành viên và sự cần thiết của việc tiến hành trên cơ sở song phương từng bước thay vì đa phương. Mặc dù đã đặt ra mục tiêu thành lập được một thỏa thuận song phương vào năm 2020 theo khuôn khổ của ABIF nhưng Việt Nam đến nay vẫn chưa ký bất cứ thỏa thuận nào thuộc loại này với các quốc gia thành viên khác nên vẫn chưa có bất cứ một QAB nào. Ngoài ra, Chiến lược Phát triển Ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2020 vẫn chưa có mục tiêu cụ thể liên quan trực tiếp đến việc hội nhập khu vực hay cụ thể hơn là chiến lược để có được các QAB. Khi các ngân hàng của Việt Nam đã có đủ năng lực và đạt được tiêu chuẩn BASEL II, việc hội nhập khu vực sẽ giúp các ngân hàng phát triển nhất ở Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực thông qua vị thế là QAB, đặc biệt là khi các nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng khác tiếp tục mở rộng và lĩnh vực ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp tài chính quan trọng nhất.
Nghiên cứu, phát triển và đổi mới
Quy định về quyền sở hữu trí tuệ đã được củng cố nhưng vẫn cần đẩy mạnh quá trình thực thi
Trong hai thập kỷ qua đã có những cải tiến đáng kể nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) với sự công nhận của chính phủ về tầm quan trọng của quyền này trong việc hình thành môi trường kinh doanh hấp dẫn nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và hoạt động cấp bằng sáng chế, cũng như tăng cường thương mại hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước. OECD đã tìm ra mối liên quan mật thiết giữa mức độ nghiêm ngặt trong quy định về quyền sáng chế tại một quốc gia với dòng vốn FDI đi vào, trong đó 1% mức tăng về việc bảo hộ quyền sáng chế tương ứng với 2,8% mức tăng vốn FDI (Park and Lippoldt, 2008[8]). Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy quy định vững chắc về quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ thông qua việc tăng cường hoạt động cấp bằng sáng chế. Cần lưu ý rằng các bằng chứng cho thấy những lợi ích như vừa nêu cũng tùy thuộc và các yếu tố hỗ trợ ở quy mô rộng hơn như hiệu quả quản lý của chính phủ, khả năng thực thi hợp đồng và mức độ tham nhũng (Arora, 2007[9]).
Chế độ pháp lý của Việt Nam về lĩnh vực này bao gồm một số văn kiện luật như Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và các quy định thi hành của từng bộ luật. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ với tầm nhìn đến năm 2030 để hướng dẫn các bộ, ngành và cơ quan nhà nước trong việc nâng cao hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ. Luật sở hữu trí tuệ trong nước của Việt Nam nhìn chung phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; Việt Nam cũng là nước ký kết tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (WTO TRIPS), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Hiệp ước Hợp tác Sáng chế, Nghị định thư Madrid và Thoả ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Hoạt động này đã được củng cố thêm trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU năm 2020, theo đó Việt Nam đã đồng ý đáp ứng vượt các tiêu chuẩn theo hiệp định TRIP của WTO, đặc biệt là về các điều khoản thực thi (European Commission, 2015[10]).
Tuy đã đạt được một số bước tiến đáng kể nhưng việc tăng cường thực thi khung pháp lý về luật sở hữu trí tuệ và củng cố các quy định chính sách vẫn cần được cải thiện thêm. Văn phòng sở hữu trí tuệ cung cấp, quản lý ở cấp nhà nước các dịch vụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bao gồm dịch vụ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ thẩm định pháp lý cơ bản để giải quyết các tranh chấp. Hiện chưa có tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ, phần lớn các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết thông qua công tác xử lý hành chính thay vì khởi tố dân sự hoặc hình sự. Việt Nam đứng thứ 43 trên tổng số 45 quốc gia xét về chỉ số sở hữu trí tuệ hàng năm do Phòng Thương mại Hoa Kỳ công bố, cho thấy những hạn chế trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như tính răn đe của các hình phạt. Theo công bố trong ấn bản thứ năm về Chỉ số Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu (GIPI), Việt Nam đứng thứ 35 trong tổng số 43 quốc gia xét về chế độ pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ, cho thấy những hạn chế trong công tác thực thi cùng nhận xét về việc thiếu hướng dẫn tư pháp đối với việc đánh giá các thiệt hại và sự phức tạp trong các quy trình, thủ tục tòa án (International Chambers of Commerce, 2019[11]). Năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia được thành lập nhằm hỗ trợ các cơ quan thực thi công tác đấu tranh chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ban chỉ đạo đã thông qua quy định quan trọng vào năm 2020 (Quyết định số 195/QĐ-BCĐ 389) xác lập phương thức phối hợp tác giữa các ban chỉ đạo ở cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh, và cách thức phối hợp của ban chỉ đạo với chính quyền trong việc chia sẻ thông tin và giám sát quá trình xử lý vụ việc.
Tuy cần thực hiện thêm các bước để củng cố môi trường thực thi nhưng thực tế cũng cho thấy những thành tựu đạt được cho đến thời điểm hiện tại đã mang lại những kết quả thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ năng lượng sạch. Số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế công nghệ xanh đã tăng từ 143 năm 2000 lên 886 vào năm 2018. Trong đó, đơn đăng ký từ các công ty và tổ chức Nhật Bản chiếm gần một phần tư trên tổng số đơn đăng ký, tiếp theo là Hoa Kỳ với 15% và sau đó là Việt Nam với 13%. Trong số các đơn đăng ký bằng sáng chế trong lĩnh vực sản xuất năng lượng thay thế, số lượng đơn đăng ký đối với nhiên liệu sinh học chiếm 60%, tiếp theo là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và địa nhiệt với tỷ lệ lần lượt là 14%, 10%, 6% và 3%. Hơn ba phần tư số đơn đăng ký là theo Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT), nghĩa là các bằng sáng chế này có tác dụng bảo hộ cho một sáng chế đồng thời ở hơn 150 quốc gia bị ràng buộc bởi hệ thống PCT của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) (Duong, 2020[12]).
Sự hỗ trợ chiến lược của chính phủ đối với hoạt động đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch có thể thúc đẩy việc giảm thiểu chi phí, phổ biến công nghệ và tạo ra chuỗi giá trị mới
Các thị trường có thể không cung cấp đủ lượng tài nguyên hiệu quả về mặt xã hội nhằm tạo ra kiến thức khoa học và công nghệ mới. Những kiến thức này thường có đặc điểm là tốt cho cộng đồng, đồng nghĩa với việc sự lan tỏa kiến thức mang lại lợi ích cho toàn thể công chúng nhưng không mang lại lợi ích cho người sáng tạo ra chúng (Duong, 2020[12]). Nhận định có thể đúng với lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là khi điều kiện tại từng quốc gia đặt ra yêu cầu về các giải pháp và quy trình kỹ thuật phải được được bản địa hóa. Điều này đặc biệt đúng với ngành điện gió ngoài khơi khi các dự án ngoài khơi đòi hỏi nhiều thiết bị và kỹ thuật chuyên biệt hơn cho hoạt động phát triển, xây dựng, vận hành và bảo trì (O&M). Tại Đông Nam Á, công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những thách thức mới do những yếu tố như động đất, sóng thần, bão cùng các điều kiện địa hình khác với ở châu Âu - nơi thường tập trung những đổi mới sáng tạo trước đây trong ngành này. Khi ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đạt được những bước tiến mới, hỗ trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ có cơ hội giúp giảm thiểu chi phí năng lượng và tạo ra giá trị trong nước thông qua các giải pháp kỹ thuật thương mại hóa phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam (BVG Associates, 2020[14]). Việc thiết lập và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước tại các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, bên cạnh quan hệ đối tác quốc tế ở các trường đại học, sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam chuẩn bị cho lộ trình triển khai ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có chi phí cạnh tranh.
Ngoài ra, việc đổi mới mô hình kinh doanh và phương pháp tiếp cận phát triển ngành nhằm hỗ trợ phổ biến rộng rãi hơn về công nghệ năng lượng sạch cũng là một yêu cầu được đặt ra. Điều này đặc biệt đúng đối với lĩnh vực sinh khối đang phải đối mặt với các chuỗi cung ứng phức tạp và không chính thức, cũng như lĩnh vực hiệu quả năng lượng đang phải đối mặt với nhiều rào cản về hành vi và kinh tế. Nguồn cung thức ăn chăn nuôi sinh khối ở Việt Nam rất dồi dào; trấu, rơm rạ, sơ dừa, bã mía và chất thải cà phê đều là những nguồn có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên, dòng chất thải này của các nguồn này rất phân tán và thường được quản lý theo cách không an toàn với môi trường (NL Agency, 2013[15]). Do đó, việc tận dụng các nguồn tài nguyên này là một cơ hội kinh doanh và đem lại lợi ích môi trường, nhưng đòi hỏi phải có sự tham gia của các cộng đồng nông thôn nơi có ít tài nguyên và nhận thức về kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đo, do các cộng đồng này thiếu năng lực đối phó với những thay đổi lớn, cần thận trọng khi đưa vào sử dụng các quy trình và công nghệ mới. Những phương pháp tiến hành đổi mới mang tính xã hội, theo đó công nghệ, quy trình, kỹ thuật mới được đồng sáng tạo trong quan hệ cộng tác với người dùng cuối sẽ là giải pháp phù hợp giúp tìm hiểu cách thức tham gia của đối tượng là người nông dân và cộng đồng địa phương. Quan điểm này cũng đúng cho quá trình tập trung và chính thức hóa chuỗi cung ứng sinh khối làm nguyên liệu dành cho các nhà máy điện sinh khối tập trung, cũng như hoạt động phổ biến các công nghệ sinh khối phân tán như thiết bị khí hóa quy mô nhỏ và thiết bị phân hủy yếm khí.
Lập kế hoạch phát triển thị trường tái chế tấm pin quang điện mặt trời là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sạch
Thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân trong hai năm qua và việc triển khai quy mô lớn sẽ tiếp tục được áp dụng trong giai đoạn triển khai Quy hoạch điện VIII. Pin quang điện thường có tuổi thọ trong khoảng 20-30 năm cùng một tỷ lệ nhỏ bị hỏng sớm. Điều này đồng nghĩa với lượng rác từ pin quang điện hư hỏng mà lĩnh vực điện mặt trời thải ra môi trường sẽ ngày càng tăng và tới khoảng năm 2040, rác thải pin quang điện sẽ tăng theo cấp số nhân khi vòng đời của những tấm pin đầu tiên kết thúc. Rác thải từ tấm pin quang điện là một thách thức về mặt môi trường nhưng cũng là cơ hội để phát triển các ngành mới, các hoạt động gia tăng giá trị và tạo công ăn việc làm. Ngành tái chế tấm pin quang điện sẽ là ngành vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển dịch sang hệ thống năng lượng bền vững dựa trên năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việc tái chế các tấm pin quang điện đã ngừng hoạt động có thể giúp đáp ứng cả nhu cầu trong nước lẫn quốc tế về nguyên vật liệu và tránh các tác động tác động môi trường tiềm ẩn từ hoạt động chôn lấp. Các mô-đun silicon tinh thể chứa một lượng nhỏ chì và thiếc có thể gây xáo trộn các chức năng của đất, gây hại cho hệ sinh thái thủy sinh và gây ra các rối loạn phát triển và hành vi ở trẻ em (Mahmoudi, Huda and Behnia, 2020[16]). Các mô-đun màng mỏng chứa những lượng vết các kim loại nặng như gali và cadmium. Đây là những chất có độc tính cao và cũng cần được quản lý chặt chẽ. Để có thể quản lý chất thải hiệu quả và mở ra những lợi ích từ ngành tái chế, công tác chuẩn bị cần được hoàn thiện từ trước nhằm đảm bảo sẵn sàng khung pháp lý hỗ trợ cho quá trình phát triển thị trường.
Yếu tố cốt lõi của khung hỗ trợ là chính sách cụ thể đối với tấm pin quang điện, trong đó thiết lập các chỉ tiêu quản lý chất thải và bộ quy định hỗ trợ xác định rõ vai trò và trách nhiệm của nhà sản xuất, người tiêu dùng và rộng hơn là xã hội trong từng khâu của chuỗi giá trị tái chế. Hiện tại, Liên minh Châu Âu (EU) - một trong những thị trường khu vực tiên tiến về năng lượng tái tạo đã áp dụng các quy định quản lý chất thải dành riêng cho tấm pin quang điện. Chỉ thị của Liên minh Châu Âu về thiết bị điện và điện tử thải bỏ (WEEE) dựa trên nguyên tắc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và yêu cầu tất cả các nhà sản xuất cung cấp tấm pin quang điện sang thị trường EU (bất kể nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất) để phải chịu trách nhiệm về chi phí thu gom và tái chế (Hộp 7.2).
Hộp 7.2. Nghiên cứu điển hình: Chỉ thị WEEE của EU đối với việc quản lý tấm pin quang điện hết vòng đời
Chỉ thị WEEE thiết lập khung pháp lý chung trên toàn EU đối với hoạt động quản lý tấm pin quang điện hết vòng đời với nguyên tắc trách nhiệm mở rộng dành cho nhà sản xuất. Tất cả các nhà sản xuất trên thị trường EU phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong việc quản lý sản phẩm sau khi hết vòng đời cho dù cơ sở sản xuất của nhà sản xuất đó có đặt tại EU hay không. Trách nhiệm pháp lý tổng hợp của nhà sản xuất về kế hoạch huy động vốn, hoạt động thu gom, thu hồi vật liệu và tái chế, cùng với các tiêu chuẩn xử lý là điểm tham chiếu cho quá trình xây dựng các quy định về quản lý rác thải từ tấm pin quang điện trên toàn cầu. Trách nhiệm quản lý ở cuối vòng đời được nêu trong chỉ thị bao gồm ba lĩnh vực lớn như sau:
1. Trách nhiệm tài chính: Nhà sản xuất chịu trách nhiệm thông qua bảo lãnh tài chính và phí bảo hiểm, trang trải chi phí thu gom và tái chế sản phẩm bán cho các hộ gia đình.
2. Trách nhiệm báo cáo: Các nhà sản xuất có nghĩa vụ báo cáo về các tấm pin bán ra, thu hồi và gửi đi xử lý. Báo cáo xử lý chất thải của các sản phẩm cũng là một yêu cầu (số tấn được xử lý, thu gom, tái chế và tiêu hủy theo từng thành phần, chẳng hạn như thủy tinh, chất thải nhựa hỗn hợp, kim loại).
3. Trách nhiệm cung cấp thông tin: Nhà sản xuất phải gắn nhãn lên tấm pin để thông báo cho người mua về các quy trình thải bỏ đúng cách. Nhà sản xuất cũng phải cung cấp thông tin cho các công ty xử lý rác thải về cách xử lý tấm pin quang điện trong quá trình thu gom, lưu trữ, tháo rời và xử lý.
Chỉ thị quy định cơ chế huy động vốn tùy thuộc vào người mua sản phẩm. Đối với các tấm pin bán cho các hộ gia đình (B2C), nhà sản xuất phải huy động vốn thu hồi và tái chế thông qua hình thức áp dụng thống nhất "Dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu" (PAYG) kết hợp với chi phí bảo hiểm. Đối với các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), cả khách hàng lẫn nhà sản xuất đều có thể đảm nhận công tác thu hồi và tái chế. Ví dụ, chủ sở hữu nhà máy pin quang điện có thể là bên phù hợp nhất để hoàn thành nghĩa vụ tái chế bằng cách sử dụng dòng tiền của dự án thuê nhà sản xuất ban đầu hoặc bên nghiệp vụ thứ ba thực hiện.
Việc quy định các nhà sản xuất là bên chịu chi phí khi kết thúc vòng đời của tấm pin sẽ thúc đẩy sự đổi mới và cắt giảm chi phí, khiến các tấm pin được thiết kế với tiêu chí chủ đạo là tối ưu chi phí tái chế. Cách sắp xếp này cũng được cho là dễ dàng giám sát và thực thi hơn so với cách quy nghĩa vụ huy động vốn cho người tiêu dùng. Khung pháp lý cũng cần được thiết lập những tiêu chuẩn chung về thu gom và tái chế cũng như các hình thức hợp đồng được phép áp dụng cho việc huy động vốn thực hiện trách nhiệm xử lý cuối vòng đời sản phẩm giữa nhà sản xuất với các phân khúc khách hàng khác nhau (hộ gia đình và doanh nghiệp). Việc tái chế tấm pin quang điện có thể khả thi về mặt thương mại tùy thuộc vào các biện pháp khuyến khích và cơ cấu tính phí phù hợp.
Chuyển dịch năng lượng sạch đảm bảo công bằng xã hội
Chính sách đặt ra cần đảm bảo rằng quá trình chuyển dịch năng lượng sạch mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương
Đầu tư vào năng lượng sạch sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu và mục tiêu về an ninh năng lượng, đồng thời là cơ hội mang đến lợi ích xã hội rộng lớn hơn. Những lợi ích kinh tế - xã hội mà quá trình phát triển dự án năng lượng tái tạo đem lại có thể được tăng cường tối đa thông qua hoạt động quy hoạch tích hợp và bền vững, trong đó ưu tiên dành cơ hội cho các bên tham gia của địa phương trong chuỗi giá trị và lợi ích cho các cộng đồng địa phương. Không nên xem nhẹ các lợi ích này và cần có khung chính sách mục tiêu cũng như chiến lược dài hạn để tăng cường lợi ích và đảm bảo rằng các cộng đồng cũng được hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch năng lượng. Một số nội dung cân nhắc, thảo luận ở các mục tiếp theo cũng nhằm mục đích đảm bảm quá trình dịch chuyển năng lượng công bằng, trong đó cần tạo cơ hội cho cả hai giới và phụ nữ không bị bỏ lại phía sau, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp xanh và việc làm xanh tại địa phương, tập trung vào giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề nhằm xây dựng nguồn vốn nhân lực. Tương tự, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các cộng đồng không phải chịu những gánh nặng không công bằng, chẳng hạn như trách nhiệm tháo dỡ tấm pin quang điện hay khôi phục đất đai sau dự án.
Mỗi quốc gia đều đã có những hướng tiếp cận riêng để đảm bảo rằng quá trình triển khai năng lượng tái tạo đem lại lợi ích cho cộng đồng. Những hướng tiếp cận có thể kể đến như trao quyền đồng sở hữu cho các cộng đồng, nghĩa là các cộng đồng trở thành cổ đông tại các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo, cho phép một phần doanh thu được giữ lại và tái phân bổ tại địa phương. Một hướng tiếp cận khác là đưa lợi ích cộng đồng làm tiêu chí lựa chọn trong đấu thầu các dự án công đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân. Điều này có thể sẽ khuyến khích các đơn vị phát triển đưa ra các phương án hỗ trợ các hoạt động phát triển cộng đồng địa phương gần dự án, ví dụ thông qua khoản thanh toán tài chính do một cơ quan địa phương quản lý. Cuối cùng, các dự án năng lượng tái tạo có thể rút kinh nghiệm từ ngành năng lượng và các lĩnh vực khác trong xây dựng các khung quy định về trao đổi thông tin để từ đó hình thành mối liên hệ giữa các dự án năng lượng lớn với cộng đồng (Hộp 7.3) (Clausen and Rudolph, 2020[1]) (DIIS, 2021[2]).
Ngoài ra, các cộng đồng tại địa phương triển khai các dự án năng lượng tái tạo có thể được hưởng lợi từ hoạt động phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ cấu thuế và các khoản thanh toán phí đất đai được thiết kế phù hợp. Thuế nhà đất, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sử dụng đất nông nghiệp và giấy phép, cũng như phí sử dụng, cho thuê và đăng ký đất đai do chính quyền địa phương quản lý. Tùy thuộc vào khả năng tài chính của tỉnh, chính quyền cấp địa phương và cấp trung ương cũng có thể chia sẻ nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cũng như các khoản thuế trên lợi nhuận chuyển ra nước ngoài (Morgan and Trinh, 2016[18]). Nếu áp dụng các mô hình công viên năng lượng mặt trời hoặc đấu thầu theo trạm biến áp, cơ chế mới về hoạt động đấu thầu điện mặt trời (được thảo luận trong chương 3 và 5) có thể giúp các tỉnh có được tầm nhìn xa hơn về doanh thu nhận được từ các khoản thuế và phí. Điều này có thể tạo điều kiện lập kế hoạch sử dụng các nguồn này hiệu quả hơn để phát triển kinh tế - xã hội ở các cộng đồng địa phương hoặc để thực hiện đầu tư công về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Hộp 7.3. Lợi ích từ năng lượng tái tạo cho cộng đồng được tích hợp trong thiết kế đấu thầu: Bài học từ Cộng hòa Nam Phi
Từ năm 2011, phát triển cộng đồng đã là một thành phần của chương trình quốc gia về đấu thầu năng lượng tái tạo của Nam Phi, Chương trình Đấu thầu các đơn vị sản xuất điện độc lập từ năng lượng tái tạo Nam Phi (REIPPPP). Xuất phát từ thực tế các dự án năng lượng tái tạo chủ yếu được triển khai tại các khu vực nông thôn và vùng biên, REIPPPP đã thiết lập khung pháp lý khuyến khích các đơn vị sản xuất điện độc lập (IPP) từ năng lượng mặt trời, gió và sinh khối nhằm mang lại lợi ích cho các cộng đồng xung quanh khu vực có dự án. Trong thời gian thực hiện các thỏa thuận mua bán điện, các IPP phải phân bổ tỷ lệ phần trăm doanh thu từ sản xuất điện cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và phát triển doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ quyền sở hữu tại doanh nghiệp dự án với các cộng đồng địa phương.
REIPPPP đã đáp ứng yêu cầu này thông qua việc đánh giá hồ sơ dự thầu với 70% số điểm dựa trên tiêu chí giá cả và 30% dựa trên một bộ tiêu chí về khả năng phát triển kinh tế - xã hội với quy định rõ ràng về tỷ lệ phần trăm cụ thể dành cho các cấu phần như khả năng tạo công ăn việc làm, hàm lượng nội địa, quyền sở hữu của cộng đồng, kiểm soát công tác quản lý, mua sắm có mục tiêu từ các doanh nghiệp địa phương, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong phạm vi 50 km hoặc trong ranh giới quận, huyện nơi có dự án. Điều này bao gồm kế hoạch tài trợ cho các dự án phát triển về giáo dục, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, phát triển và quản lý doanh nghiệp, cũng như kế hoạch phân bổ doanh thu của dự án cho Quỹ Tín thác Cộng đồng và phân bổ cổ phần của doanh nghiệp dự án cho cộng đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này, các IPP trong chương trình đã tận dụng sự tham gia của cộng đồng để hỗ trợ quá trình trao đổi thông tin và giám sát việc thực hiện các dự án cộng đồng (Morgan and Trinh, 2016[18]).
Trong giai đoạn 2011-2020, REIPPPP đã đấu thầu hơn 6.000 MW điện từ 112 doanh nghiệp dự án năng lượng gió và mặt trời, mang lại 14 tỷ USD đầu tư tư nhân, 20% trong số đó là các vốn FDI. Tính đến năm 2020, REIPPP đã mang lại 82 triệu USD đầu tư vào các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội (DIIS, 2021[2]). Ước tính đến năm 2050, chương trình sẽ hỗ trợ các cộng đồng chưa được quan tâm thông qua 3.000 doanh nghiệp địa phương, tạo ra 10.000 việc làm tại địa phương và đem lại lợi ích cho 30.000 cá nhân thông qua việc tiếp cận các chương trình liên quan đến giáo dục (Koffer, 2019[20]). Liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 của Liên hợp quốc, ngành năng lượng tái tạo ở Nam Phi hướng tới đóng góp vào Mục tiêu SDG 7 về Năng lượng bền vững cho tất cả mọi người, SDG 1 về Xóa đói nghèo, SDG 4 về Đảm bảo giáo dục có chất lượng, SDG 8 về Công việc thỏa đáng và Tăng trưởng kinh tế và SDG 10 về Giảm bất bình đẳng. Thông qua các mục tiêu tuyển dụng bao trùm về giới, REIPPPP cũng nhằm hỗ trợ SDG 5 về Bình đẳng giới.
Mặc dù khung đấu thầu cạnh tranh cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, REIPPPP đem đến kinh nghiệm 10 năm xây dựng chương trình đấu thầu cạnh tranh cân bằng giữa khả năng được cấp vốn và tính cạnh tranh về chi phí, trong khi vẫn mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng. REIPPPP cũng nêu bật tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế phối hợp giữa chính phủ, các IPP và cộng đồng để các sáng kiến có thể tối đa hóa lợi ích từ hoạt động đầu tư, đồng thời giảm thiểu tình trạng dư thừa hoặc kém hiệu quả. Ví dụ: tuy sẽ đánh giá nhu cầu kinh tế xã hội của cộng đồng để đệ trình kế hoạch đấu thầu nhưng các IPP có thể không có đủ năng lực nhân sự để xác định chính xác các lĩnh vực chủ chốt cũng như giám sát quá trình triển khai. Do đặc thù cạnh tranh trong quá trình đấu thầu dự án, cơ hội hợp tác giữa các IPP có thể bị bỏ lỡ hoặc các nỗ lực vì cộng đồng bị trùng lặp. Điều cũng quan trọng không kém là sự phối hợp giữa các cộng đồng địa phương và chính quyền khu vực, do chính quyền có thể sẽ ưu tiên các dự án khác phù hợp với mối quan tâm trước mắt và quy hoạch phát triển vùng. Việc tạo ra những nền tảng để chia sẻ thông tin và rút kinh nghiệm thông qua hợp tác giữa các bên liên quan có thể giúp chính quyền địa phương tối đa hóa lợi ích từ các chương trình phát triển. Mặc dù REIPPPP đã giúp Nam Phi thu được các lợi ích kinh tế - xã hội tại địa phương từ các dự án điện mặt trời và điện gió, điều quan trọng cần lưu ý là phải đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng về mặt xã hội vượt ra ngoài các thông lệ đấu thầu và đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách kết hợp hài hòa giữa chính sách ngành, chính sách kinh tế, xã hội.
Cần xây dựng tầm nhìn dài hạn trong quá trình chuyển dịch cho những vùng kinh tế phụ thuộc vào than
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, mặc dù tỷ trọng quy hoạch công suất nhiệt điện than năm 2030 đã giảm so với trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh trước đó nhưng quy mô công suất vẫn ở mức 37 GW. Năm 2020, chỉ riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã sử dụng 96.000 lao động (VietnamPlus, 2021[21]). Mặc dù mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu than đang ngày càng tăng, Việt Nam vẫn đang tập trung tăng năng suất khai thác trong nước. Điều này cho thấy ngành khai thác than sẽ khó có khả năng suy giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của ngành khai thác than tại Việt Nam, chính phủ cần bắt đầu ngay việc cân nhắc những ưu tiên trong quá trình chuyển dịch công bằng, một quá trình chuyển dịch năng lượng hợp lý và toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tái cơ cấu mỗi vùng công nghiệp là một quá trình dài hạn. Các ví dụ từ thực tiễn trong quá khứ cho thấy có thể mất nhiều thập kỷ để thiết lập các hoạt động kinh tế thay thế tại những vùng vốn dựa vào khai thác than, đặc biệt là khi quá trình chuyển dịch cần được quản lý theo cách tránh để xảy ra tình trạng mất việc hàng loạt hoặc thậm chí là di cư khỏi khu vực (Sartor, 2018[22]). Điều này có nghĩa là cần tính đến những cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình phi carbon hóa, có thu nhập phụ thuộc đáng kể vào hoạt động khai thác và sử dụng than, đặc biệt ở khu vực bể than Quảng Ninh, Đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Đường mòn phía Bắc, Sông Đà, sông Cả, Na Dương, Nông Sơn, sông Ba và Đồng bằng sông Cửu Long (Mijał, 2018[23]). Chính phủ có thể đặt sẵn nền móng cho quá trình chuyển dịch công bằng hướng tới các nguồn năng lượng carbon thấp thông qua việc lập quy hoạch trung và dài hạn. Các khu vực khác như EU và Bắc Mỹ hiện đang giải quyết những vấn đề này bằng cách xây dựng các quỹ và chương trình chuyển dịch công bằng về xây dựng lại kỹ năng cho nhân viên cũng như các hoạt động phục hồi và chuyển đổi mục đích trong lĩnh vực môi trường. Bằng cách học hỏi kinh nghiệm của các nước khác và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao hơn, Việt Nam có thể xác định các chiến lược dài hạn và hiệu quả về mặt chi phí để hỗ trợ người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng tại các vùng sản xuất điện than của đất nước, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực hoạt động đang phát triển như chuỗi giá trị về sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo2.
Hộp 7.4. Tổng quan Hướng dẫn về Chuyển dịch Công bằng của ILO
Các hướng dẫn về chuyển dịch công bằng bao gồm:
các chính sách bảo trợ xã hội nhằm tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và bảo vệ người lao động khỏi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền kinh tế và các hạn chế về nguồn lực
các chính sách về thị trường lao động có sự chủ động kiến tạo việc làm, hạn chế tình trạng mất việc làm và đảm bảo quản lý hiệu quả các điều chỉnh liên quan đến chính sách xanh hóa
chính sách an toàn và sức khỏe nghề nghiệp để bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ và rủi ro nghề nghiệp
phát triển kỹ năng nhằm đảm bảo trang bị đủ kỹ năng ở tất cả các cấp để thúc đẩy quá trình xanh hóa nền kinh tế
thiết lập các cơ chế đối thoại xã hội trong suốt quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp
đảm báo tính nhất quán trong các chính sách và xây dựng quy định để lồng ghép vào hoạt động phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo cơ hội đối thoại và hợp tác cho các bên liên quan giữa các lĩnh vực chính sách.
Nguồn: Việc làm xanh và Chuyển dịch công bằng vì Khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương năm 2019 của ILO
Đa dạng về giới và hỗ trợ các doanh nhân nữ
Dữ liệu phân tách theo giới có thể góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng sạch bao trùm về giới
Việt Nam cần được biểu dương với hoạt động xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (NSGE) giai đoạn 2011-2020 cùng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030. Với chủ trương xác định các vấn đề bất bình đẳng về giới cần xử lý và đánh giá tác động của các chính sách hiện tại, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiết lập một số các chỉ số về giới. Đó là các chỉ số về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các cơ quan chính phủ, quốc hội, ủy ban và doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững (Thông tư số 03/2019/TTBKHDT). Tiếp theo là Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia (Thông tư số 10/2019/TTBKHDT) quy định một số chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội ưu tiên.
Các số liệu thống kê sơ bộ về giới cho thấy một bức tranh tương đối tích cực, đặc biệt là so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển trong khu vực, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với tình trang vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam thường không được ưu tiên. Điều này có thể tạo ra quan điểm rằng phụ nữ không phải đối mặt với các rào cản trong kinh doanh, mặc dù phụ nữ đang phải chịu những ảnh hưởng không tương xứng từ tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp và điều kiện làm việc không ổn định và đang chiếm đa số trong nhóm người lao động nghèo ở Việt Nam. Việc đưa thêm nhiều chỉ báo phát triển giới vào số liệu thống kê chính thức là điều rất quan trọng vì điều này giúp chính phủ có được thước đo thực tế về tình trạng bất bình đẳng giới và buộc các bộ chủ quản phải báo cáo về tiến độ trong các lĩnh vực này. Đối với bản đánh giá Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã đề xuất một số chỉ số hỗ trợ việc lồng ghép phát triển giới vào nỗ lực giảm thiểu. Chẳng hạn, các chỉ số đề xuất xem xét số lượng nam giới và nữ giới được tuyển dụng hoặc nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc số lượng các doanh nghiệp do nam giới và phụ nữ lãnh đạo chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (UNDP, 2020[24]). Những thông tin này có thể giúp xác định cách thức phụ nữ tham gia vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam và cung cấp thông tin về các chính sách có mục tiêu nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng bao trùm về giới. Hiện tại, ngành năng lượng ở Việt Nam chưa tiến hành thu thập loại dữ liệu phân tách theo giới này.
Mạng lưới kinh doanh và đầu tư qua lăng kính giới có thể hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng sạch
Phụ nữ có thể đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng sạch nhưng họ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như những định kiến vô thức để có thể tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực năng lượng và công nghệ - những lĩnh vực vốn thường có tỷ lệ tham gia áp đảo của nam giới. Việc thực hiện các bước nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ trong lĩnh vực năng lượng sạch có thể đem lại lợi thế kép thúc đẩy chương trình giảm thiểu đồng thời nâng cao triển vọng việc làm cho phụ nữ. Môi trường đầu tư ở Việt Nam nhìn chung là ủng hộ nữ giới khi phụ nữ sở hữu khoảng 20% doanh nghiệp chính thức, nhưng vẫn cần thực hiện thêm các bước lồng ghép giới vào các hoạt động huy động vốn và đầu tư, đồng thời khuyến khích các ngân hàng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo. Rào cản văn hóa và khoảng cách về giới vẫn gây cản trở cho các doanh nhân nữ tại Việt Nam trong quá trình tiếp cận nguồn vốn và mạng lưới cần thiết cho hoạt động kinh doanh thành công (UNDP, 2020[24]).
Mặc dù nhu cầu tín dụng ở nhóm khách hàng là phụ nữ chưa được khai thác hiệu quả nhưng theo khảo sát của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa chủ động xây dựng các chiến lược cho vay cụ thể theo giới và vẫn có nhận định thiên lệch rằng các doanh nghiệp do phụ nữphụ nữ lãnh đạo thường kém thành công hơn (IFC, 2017[26]). Thực hiện đầu tư qua lăng kính giới có thể giúp thu hẹp khoảng cách tín dụng giữa các doanh nhân nam và nữ bằng cách xem xét các tác động đối với phụ nữ cũng như lợi tức đầu tư. Chương trình “Đầu tư vào Phụ nữ’ của Úc là một ví dụ về hoạt động hỗ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư hướng nguồn vốn vào các doanh nhân nữ ở Việt Nam và các nước ASEAN khác. Hoạt động đầu tư qua lăng kính giới tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai và hiện có rất ít quỹ và các nhà đầu tư tư nhân lớn quan tâm. Việc cung cấp những dữ liệu có giá trị hơn về hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực tài chính có thể giúp các nhà đầu tư và các chuyên gia tài chính xác định các cơ hội nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm thiểu và giải quyết các vấn đề về giới. Từ năm 2017 đến 2019, tại Việt Nam có 7 dự án đầu tư theo lăng kính giới, hầu hết đều có trị giá dưới 500.000 USD nhưng một dự án IFC rất lớn đã nâng quy mô đầu tư trung bình của nhóm dự án này lên mức 6 triệu USD. Điều này đã góp phần nêu bật vai trò trung tâm của các tổ chức tài chính phát triển trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư theo lăng kính giới. (IFC, 2017[26]).
Tại Việt Nam đã có rất nhiều hiệp hội hỗ trợ thành công các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thông qua các cơ hội kết nối, cố vấn và đào tạo. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến là Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) hay Tăng cường khối doanh nhân nữ Việt Nam (SWEV). Hoạt động này có thể được tăng cường hơn nữa thông qua hỗ trợ cơ hội kết nối cho phụ nữ đang công tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch,cũng như hỗ trợ ở giai đoạn ban đầu bằng các chương trình giới thiệu cơ hội nghề nghiệp cho những người học là nữ đang cân nhắc lộ trình học tập chuyên nghiệp.
Giáo dục, Đào tạo và Phát triển kỹ năng
Thúc đẩy tạo việc làm thông qua đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch
Chi tiêu chính phủ dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả giúp tạo ra việc làm nhiều hơn gấp ba lần so với ngân sách chi cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, và việc làm được kiến tạo trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng (McKinsey, 2020[27]). Cả hai lĩnh vực đều có nhu cầu nhân lực đa dạng, từ lao động có chuyên môn đến lao động giản đơn, đồng nghĩa với việc quá trình tạo việc làm có thể được thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể yêu cầu một quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng có hệ thống trong dài hạn. Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2020 và được dự báo sẽ phục hồi về mức tăng trưởng GDP cũ sau đại dịch COVID-19. Dù vậy, đại dịch đem lại cơ hội để tái tập trung chính sách vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và có khả năng phục hồi. Lợi tức đầu tư thu về trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng có thể gấp từ 3 đến 8 lần so với giá trị đầu tư ban đầu. So với các biện pháp kích thích tài khóa thông thường, các dự án được thiết kế hiệu quả xoay quanh tài sản năng lượng tái tạo, hiện đại hóa lưới điện và nâng cấp xây dựng hiệu quả năng lượng có thể giúp tạo ra tỷ lệ việc làm và lợi tức đầu tư ngắn hạn cao hơn (IRENA, 2020[28]).
Bằng cách tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng, Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người lao động tại địa phương tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả năng lượng trong công nghiệp và nâng cấp công trình xây dựng. Tùy vào từng ngành, mỗi một triệu USD đầu tư vào hiệu quả năng lượng có thể tạo trung bình từ 6 đến 15 việc làm do tính chất thâm dụng lao động của nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, việc huy động các dự án đầu tư vào hiệu quả năng lượng thường rất nhanh chóng, tạo thành cơ hội hấp dẫn để chính phủ bảo vệ số lượng việc làm hiện có hoặc tạo việc làm mới trong những thời điểm kinh tế suy thoái (IEA, 2020[29]).
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc làm có thể đến từ hoạt động xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo nhưng cũng có ở hoạt động sản xuất thiết bị. Lao động trong lĩnh vực điện mặt trời của Việt Nam năm 2019 đã đạt mức 56.700 việc làm, 25.000 việc làm trong số này là thuộc lĩnh vực sản xuất (IRENA, 2020[30]). Do nhiều công việc tạo ra là để phục vụ cho quá trình xây dựng các nhà máy phát điện nên về bản chất, những công việc này thường mang tính tạm thời và sẽ kết thúc khi hoàn thành xây dựng nhà máy. Các công việc vận hành và bảo trì có thể kéo dài trong suốt vòng đời của nhà máy nhưng có thường ít hơn về số lượng. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất cho thấy tiềm năng dài hạn cao hơn do lĩnh vực này hướng tới xuất khẩu và không phụ thuộc vào việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại địa phương. Tính đến nay, các mô-đun ở Việt Nam đều được sản xuất thông qua hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc và Mỹ. Năm 2017, lượng mô-đun sản xuất được lên tới 5 GW tấm, chiếm 7% thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực từ các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan, các tư liệu sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là thép, giá điện và lao động đã mang lại lợi thế cạnh tranh trong sản xuất một số thành phần nhất định (World Bank Group, 2019[31]). Năm 2020, Việt Nam nằm trong số 10 nhà tuyển dụng hàng đầu đang nắm giữ 87% tổng số việc làm trong lĩnh vực quang điện mặt trời (IRENA, 2020[30]).
Hiện đại hóa và xanh hóa hoạt động giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề
Mở rộng hoạt động giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề (TVET) theo cách chiến lược và liên ngành sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo lực lượng lao động có đủ kỹ năng và năng lực để đáp ứng các nhu cầu của một nền kinh tế xanh. Lĩnh vực điện gió ngoài khơi là một ví dụ điển hình về nhu cầu lao động cao cho quá trình phát triển, xây dựng và vận hành quy mô công suất nhiều GW của các trang trại điện gió ngoài khơi. Chỉ riêng vận hành và bảo dưỡng - hoạt động chiếm khoảng 35% tổng chi phí liên quan đến một trang trại điện gió ngoài khơi đã là động lực tạo ra các công việc lâu dài và ổn định tại địa phương. Cần xây dựng một đội ngũ lao động gồm thợ hàn, thợ lắp đặt, thanh tra và thủy thủ, cùng với các chuyên gia văn phòng có kỹ năng để hỗ trợ quá trình phát triển ngành trong dài hạn tại Việt Nam và các hoạt động có liên quan, từ nâng cấp cảng và đánh giá môi trường đến chế tạo và bảo trì kỹ thuật của cơ sở hạ tầng (Danish Energy Agency, 2020[32]).
TVET được ưu tiên cụ thể trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh cũng như trong Kế hoạch Hành động Tăng trưởng Xanh nhưng cho đến nay vẫn chưa có chiến lược tổng hợp về phát triển kỹ năng xanh để định hướng việc hình thành các chương trình và đầu tư trong lĩnh vực này. Cách tiếp cận theo hướng tùy biến trong việc phát triển kỹ năng có thể dẫn đến tình trạng thiếu kỹ năng và làm mất cơ hội phát triển kinh tế cũng như cơ hội việc làm tại địa phương. Điều chỉnh các cơ sở giảng dạy TVET, chẳng hạn như các trường cao đẳng kỹ thuật và dạy nghề, cho phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế xanh là trọng tâm của quá trình này, bên cạnh việc đảm bảo giảng viên TVET được đào tạo đầy đủ và được trang bị các năng lực cần thiết. Cả nước hiện đang thiếu đội ngũ giảng viên TVET có năng lực, các chương trình giảng dạy cũng như các khóa học cũng chưa phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế xanh (Mertineit and Dang, 2016[33]).
Hiện đang có một số đối tác phát triển làm việc với chính phủ trong lĩnh vực này. Ví dụ, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đang tài trợ cho năm trung tâm đào tạo để cung cấp các khóa học về hàn, cắt kim loại, điện công nghiệp, cơ khí ô tô, lắp đặt thiết bị viễn thông vô tuyến và mạng cáp quang. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO) và thông qua hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) thuộc Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã được thành lập để hoạt động như một trung tâm tri thức nhằm xây dựng nhận thức và các kỹ năng liên quan đến các khái niệm sản xuất sạch hơn và thúc đẩy các khái niệm này trong các hoạt động của ngành. Thông qua Chương trình Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả giai đoạn II, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cung cấp các chương trình đào tạo cho những đơn vị sử dụng năng lượng lớn về các khía cạnh quản lý năng lượng và kiểm toán hiệu quả năng lượng. Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) với tư cách là nhà tài trợ và Deutsche Gesellschaft Fuer Technische Zusammenarbeit (GIZ) với tư cách là cơ quan triển khai cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ TVET trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Việt-Đức “Đổi mới đào tạo nghề”.
Xây dựng các kỹ năng để thúc đẩy các hoạt động trong cơ chế tài chính xanh và áp dụng các cơ cấu huy động vốn miễn truy đòi
Thông qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý nhằm thúc đẩy các hoạt động tài chính xanh trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ngành ngân hàng (xem chương 6). Như vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tham gia vào Mạng lưới Ngân hàng Bền vững của IFC, với cơ chế tài chính bền vững được đánh giá là “đã có cơ sở vững chắc” theo khung đánh giá ngân hàng bền vững (Hình 7.5).
Trọng tâm của tiến trình này là việc thông qua Chỉ thị về Thúc đẩy Tăng trưởng Tín dụng Xanh và Quản lý Rủi ro Môi trường và Xã hội (ESMS) trong Hoạt động Cấp tín dụng. Chỉ thị nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh và khuyến khích các tổ chức tài chính đưa các rủi ro về môi trường và xã hội (E&S) vào trong các giao dịch của mình. Chỉ thị cũng yêu cầu việc báo cáo hàng quý cho NHNN dữ liệu định lượng về hoạt động quản lý rủi ro E&S đối với các hoạt động cho vay và dòng tài chính xanh (IFC, 2018[34]). NHNN đã triển khai các hội nghị tập huấn về chủ đề này và theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2019, 17 ngân hàng đã thiết lập hệ thống E&S để tuân thủ quy định. Mặc dù đã đạt được một số bước tiến ấn tượng, việc đào tạo và phát triển năng lực liên tục sẽ là một yêu cầu nhằm đảm bảo tích hợp toàn diện ESMS và đảm bảo các ngân hàng trang bị đủ kỹ năng cũng như các kỹ thuật định lượng để phân tích và phản ánh các yếu tố rủi ro E&S trong các giao dịch cho vay của mình.
Tài liệu tham khảo
[44] ADB (2020), Projects and Tenders, https://www.adb.org/projects (accessed on 22 December 2020).
[45] AFD (2020), Promoting renewable energy and climate investments through a green credit line to PT SMI, a key public financial institution of Indonesia, https://www.afd.fr/en/carte-des-projets/promoting-renewable-energy-and-climate-investments-through-green-credit-line-pt-smi-key-public-financial-institution-indonesia (accessed on 22 December 2020).
[9] Arora, A. (2007), “Intellectual Property Rights and the International Transfer of Technology: Setting out an Agenda for Empirical Research in Developing Countries”, WIPO, Geneva.
[35] Bloomberg (2021), What Does $500 Billion for Clean Energy Mean for Climate Change?, https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-01-21/what-does-500-billion-for-clean-energy-mean-for-climate-change (accessed on 1 April 2021).
[51] Bold Magvan (2020), Mongolia Green Finance Corporation, https://www.slideshare.net/OECD_ENV/bold-magvan-mgfc-mongolia-green-finance-corporation (accessed on 18 December 2020).
[14] BVG Associates (2020), Offshore wind roadmap for Vietnam: Report for Consultation, World Bank Group.
[1] Clausen, L. and D. Rudolph (2020), Renewable energy for sustainable rural development: Synergies and mismatches, Elsevier Ltd.
[41] Climate Bonds Initiative (2020), ASEAN Green Finance: State of the Market, https://www.climatebonds.net/files/reports/cbi_asean_sotm_2019_final.pdf (accessed on 6 April 2021).
[32] Danish Energy Agency (2020), Input to the Roadmap for Offshore Wind.
[37] Denimal, F. (2020), Radical Steps Needed from Vietnam Banking Sector, https://www.regulationasia.com/radical-steps-needed-from-vietnam-banking-sector/ (accessed on 5 April 2021).
[2] DIIS (2021), Integrating community development in public procurement of renewable energy generation: Lessons from South Africa.
[12] Duong, V. (2020), Patent Landscape on Green Technology in Viet Nam, Rouse Legal Team, https://www.researchgate.net/publication/342436180_Patent_Landscape_on_Green_Technology_in_Viet_Nam (accessed on 15 June 2021).
[54] Duong, V. (2020), Patent Landscape on Green Technology in Viet Nam., https://www.researchgate.net/publication/342436180_Patent_Landscape_on_Green_Technology_in_Viet_Nam/citation/download.
[10] European Commission (2015), Facts and figures: Free Trade Agreement between EU and Vietnam, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/MEMO_15_5468.
[3] EVN (2017), Power exchange with Laos and Cambodia: the need to ensure the technical safety and harmonious trade benefits.
[55] EVN (n.d.), Power exchange with Laos and Cambodia: the need to ensure the technical safety and harmonious trade benefits.
[57] Grafström, J. et al. (2020), “Government support to renewable energy R&D: drivers and strategic interactions among EU Member States”, Economics of Innovation and New Technology, http://dx.doi.org/10.1080/10438599.2020.1857499.
[40] HSBC, C. (2020), ASEAN Green Finance Report 2019: HSBC & Climate Bonds launch major analysis of green investment and policy directions in SE Asia | Climate Bonds Initiative, https://www.climatebonds.net/2020/04/asean-green-finance-report-2019-hsbc-climate-bonds-launch-major-analysis-green-investment (accessed on 6 April 2021).
[38] Hub, G. (2021), Vietnam - Global Infrastructure Outlook, https://outlook.gihub.org/countries/Vietnam (accessed on 5 April 2021).
[29] IEA (2020), Energy efficiency jobs and the recovery – Energy Efficiency 2020 – Analysis, https://www.iea.org/reports/energy-efficiency-2020/energy-efficiency-jobs-and-the-recovery.
[4] IEA (2019), Establishing Multilateral Power Trade in ASEAN.
[53] IEA (2019), Southeast Asia Energy Outlook 2019, https://www.iea.org/reports/southeast-asia-energy-outlook-2019 (accessed on 12 April 2021).
[34] IFC (2018), Sustainable Banking Network: Country Progress Report Viet Nam Addendum to Global Progress Report.
[26] IFC (2017), Women-owned enterprises in Vietnam: Perceptions and Potential, International Finance Corporation World Bank Group, https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/86bc0493-78fa-4c7d-86ec-5858aa41fa1a/Market-study-on-Women-owned-enterprises-in-Vietnam_Eng_v1.pdf?MOD=AJPERES.
[39] Institute), G. (2020), Potential of Green Bond in Viet Nam.
[11] International Chambers of Commerce (2019), Promoting and Protecting Intellectual Property in Vietnam.
[25] Investing in Women (2021), Gender lens investing in South East Asia: A Snapshot of Progress in Indonesia, the Philippines & Vietnam, https://v4w.org/wp-content/uploads/2021/04/Gender-Lens-Investing-in-Southeast-Asia-Brief-MARCH-28-2021-1.pdf.
[28] IRENA (2020), Global Renewables Outlook: Energy transformation 2050, https://www.irena.org/-/media/Files/IRENA/Agency/Publication/2020/Apr/IRENA_Global_Renewables_Outlook_2020.pdf.
[30] IRENA (2020), Renewable Energy and Jobs Annual Review 2020, https://www.irena.org/-/media/Files/IRENA/Agency/Publication/2020/Sep/IRENA_RE_Jobs_2020.pdf.
[17] IRENA and IEA-PVPS (2016), End-of-Life Management: Solar Photovoltaic Panels.
[47] JBIC (2014), Project Financing and Political Risk Guarantee for Sarulla Geothermal Power Plant Project in Indonesia, https://www.jbic.go.jp/en/information/press/press-2013/0331-19526.html (accessed on 22 December 2020).
[43] Keuangan, I. (ed.) (2009), Economic and fiscal policy strategies for climate change mitigation in Indonesia : Ministry of Finance green paper, Ministry of Finance, Republic of Indonesia : Australia Indonesia Partnership.
[20] Koffer (2019), Economic prosperity for marginalised communities through renewable energy in South Africa Assessing the co-benefits of decarbonising the power sector Executive report COBENEFITS STUDY, http://www.cobenefits.info.
[16] Mahmoudi, S., N. Huda and M. Behnia (2020), “Environmental impacts and economic feasibility of end of life photovoltaic panels in Australia: A comprehensive assessment”, Journal of Cleaner Production, Vol. 260, http://dx.doi.org/10.1016/j.jclepro.2020.120996.
[27] McKinsey (2020), A low-carbon economic stimulus after COVID-19, https://www.mckinsey.com/business-functions/sustainability/our-insights/how-a-post-pandemic-stimulus-can-both-create-jobs-and-help-the-climate.
[33] Mertineit, K. and T. Dang (2016), Greening TVET in Viet Nam: Sustainable Development, Green Economy and the Role of Greening TVET, GIZ, Hanoi.
[23] Mijał, W. (2018), Coal Mining and Coal Preparation in Vietnam, http://doi.org/10.29227/IM-2018-01-40.
[42] Ministry of Finance, I. (2020), Green Sukuk: Allocation and Impact Report, https://www.djppr.kemenkeu.go.id/page/loadViewer?idViewer=9468&action=download (accessed on 8 March 2021).
[18] Morgan, P. and L. Trinh (2016), FISCAL DECENTRALIZATION AND LOCAL BUDGET DEFICITS IN VIET NAM: AN EMPIRICAL ANALYSIS. ADBI Working Paper 613, https://www.adb.org/publications/fiscal-decentralization-local-budget-.
[49] Muhammed Sayed (2020), Climate Finance Facility, Development Bank of Southern Africa, https://www.slideshare.net/OECD_ENV/muhammed-sayed-dbsa-climate-finance-facility (accessed on 18 December 2020).
[15] NL Agency (2013), Biomass Opportunities in Vietnam, The Embassy of the Kingdom of The Netherlands.
[48] OECD (2018), Making Blended Finance Work for the Sustainable Development Goals, OECD Publishing, Paris, https://dx.doi.org/10.1787/9789264288768-en.
[56] Park, W. (2008), Technology Transfer and the Economic Implications of the Strengthening of Intellectual Property Rights in Developing Countries, OECD, Paris.
[8] Park, W. and D. Lippoldt (2008), Technology Transfer and the Economic Implications of the Strengthening of Intellectual Property Rights in Developing Countries, OECD, Paris.
[5] Rillo, A. (2018), “ASEAN Financial Integration: Opportunities, Risks, and Challenges”, Public Policy Review, Vol. 14/5.
[22] Sartor, O. (2018), Implementing coal transitions: Insights from case studies of major coal-consuming economies., http://www.coaltransitions.org.
[13] Söderholm, P. et al. (2020), “Government support to renewable energy R&D: drivers and strategic interactions among EU Member States”, Economics of Innovation and New Technology, http://dx.doi.org/10.1080/10438599.2020.1857499.
[7] Stiglitz, J. (2010), Risk and Global Economic Architecture: Why Full Financial Integration May Be Undesirable, Columbia University and Brooks World Poverty Institute, New York.
[50] Sylvester, B. (2020), About the Clean Energy Finance Corporation, Clean Energy Finance Corporation, https://www.slideshare.net/OECD_ENV/bianca-sylvester-cefc-about-the-cefc-experience-setting-up-a-green-finance-facililty-in-australia (accessed on 18 December 2020).
[6] Thanh, V. (2015), “Vietnam’s Perspectives on Regional Economic Integration”, Journal of Southeast Asian Economies, Vol. 32/1, pp. 106-124.
[24] UNDP (2020), Empowering Women and Delivering Electricity Access to the Off-Grid Population in Viet Nam, United Nations Development Programme, https://www.ndcs.undp.org/content/ndc-support-programme/en/home/impact-and-learning/library/empowering-women-and-delivering-electricity-access-to-the-off-gr.html.
[46] US International Development Finance Corporation (2019), Information Summary for the Public PT Energi Bayu Jeneponto.
[21] VietnamPlus (2021), Vinacomin completes 26 percent of annual production plan in Q1, Business News, https://en.vietnamplus.vn/vinacomin-completes-26-percent-of-annual-production-plan-in-q1/199601.vnp (accessed on 17 June 2021).
[52] World Bank (2020), Vibrant Vietnam Forging the Foundation of a High-Income Economy Main Report, https://www.mendeley.com/reference-manager/reader/6ed9f731-3ca4-3612-aa71-6e44bbfd64c8/62e8a610-2cba-9619-5bc4-e9e19d214633 (accessed on 12 April 2021).
[36] World Bank (2019), Unlocking capital markets for Vietnam’s future development FINANCE IN TRANSITION.
[31] World Bank Group (2019), Viet Nam Solar Competitive Bidding Strategy and Framework, http://www.worldbank.org.
[19] WWF (2015), A review of the local community development requirements in South Africa’s renewable energy procurement programme, https://www0.sun.ac.za/cst/wp-content/uploads/2017/04/WWF_Wlokas_Review-of-local-community-development-in-REIPPP_2015.pdf.
Ghi chú
← 1. BVG Associates. Lộ trình triển khai điện gió ngoài khơi cho Việt Nam. https://ocean-energyresources.com/wp-content/uploads/2020/09/BVGA-32201-Vietnam-OW-roadmap-report-EN-r1.pdf.