Chương này xem xét các xu hướng chính liên quan đến đầu tư và tài chính cho năng lượng sạch ở Việt Nam, đồng thời cung cấp một cái nhìn tổng quan bao trùm về các hoạt động chính trong phát triển kinh tế vĩ mô, đầu tư và xã hội ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây. Chương này cũng phân tích các xu hướng chính về nhu cầu năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng, cũng như trong ngành điện, nêu bật tiến trình thực hiện các mục tiêu năng lượng sạch và khí hậu, đồng thời cung cấp một cái nhìn tổng thể về thị trường năng lượng sạch của Việt Nam, có xem xét các xu hướng gần đây về chi phí của các công nghệ năng lượng sạch, cũng như nguồn tài chính và đầu tư.
Đánh giá chính sách Đầu tư và Tài chính cho Năng lượng Sạch của Việt Nam
1. Giới thiệu và các xu hướng gần đây trong đầu tư và tài chính cho năng lượng sạch
Abstract
Phát triển kinh tế và xã hội
Nền kinh tế đã tăng trưởng liên tục trong thập kỷ qua
Sau làn sóng cải cách kinh tế và chính trị được thực hiện dưới thời Đổi mới năm 1986, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và trở thành một nền kinh tế có thu nhập ở mức trung bình thấp. Trong giai đoạn này, đất nước đã trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất dựa trên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kể từ năm 2000, Việt Nam đã có mức tăng trưởng FDI đáng kể với tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, từ dưới 2 tỷ USD lên 14 tỷ USD vào năm 2019. Tính theo tỷ trọng GDP, dòng vốn FDI vượt xa các nước đồng cấp trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia. Sau khi trải qua thời gian ngắn lạm phát âm (-0,19%) vào năm 2015, tình hình lạm phát đã giữ ở mức 1,1% đến 4,1% kể từ năm 2016 và chưa từng có mức lạm phát cao trên 20% kể từ năm 2011. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực, nhưng con số này đang tăng ở tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Tăng trưởng GDP giữ mức ổn định sau cải cách, vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu, đạt trung bình 6,5% mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2019. (World Bank, 2020[1]).
Nền kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi nổi bật so với các quốc gia khác trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Thành tích đạt được một phần là nhờ các biện pháp chủ động, hạn chế tác động y tế của COVID-19 và cũng nhờ cơ sở kinh tế vững chắc và vùng đệm chính sách. Điều này bao gồm đầu tư nước ngoài và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, hệ thống ngân hàng có cấu trúc tốt đã giảm các khoản nợ xấu kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2012 và cuối cùng là quản lý nợ công chặt chẽ trong những năm trước đại dịch. Mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn trong suốt thời kỳ đại dịch, mức tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới, ở mức 2,9% và mức tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi về gần mức tiền COVID-19 vào năm 2021 (IMF, 2021[2]). Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và sự gián đoạn toàn cầu đối với chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã duy trì hiệu quả tốt trong lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu. Điều này càng khẳng định Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy đối với FDI, hỗ trợ tham vọng sản xuất và chế biến chiếm 30% GDP vào năm 2030 (Nghị quyết số 23‑ NQ/TW), khẳng định vị thế trung tâm sản xuất hàng đầu trong các nền kinh tế ASEAN (Nghị quyết số 23‑ NQ/TW).
Tỷ lệ nghèo giảm và tỷ lệ tiếp cận điện đạt 99%
Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới vào những năm 1990, sau thời kỳ cải cách kinh tế, Việt Nam hiện được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp. Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội và đang có tốc độ tăng trưởng nhân khẩu học nhanh chóng với dân số đạt 97,3 triệu người vào năm 2020 và tuổi thọ trung bình là 75 tuổi. Chuyển từ chiến lược thay thế nhập khẩu sang chiến lược sản xuất xuất khẩu, Việt Nam đã trải qua giai đoạn giảm tỷ lệ sản xuất nông nghiệp và gia tăng công nghiệp hóa. Điều này đã tác động đến tỷ lệ nghèo đói, với sự gia tăng các công việc phi nông nghiệp có mức thu nhập cao hơn ở các khu vực nông thôn, chẳng hạn như các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ, đi kèm với sự gia tăng tổng thể của mức thu nhập thực tế. Năm 2018, 6,6% dân số sống dưới mức nghèo đói quốc gia (3,2 USD một ngày, quan hệ đối tác công tư (PPP) vào năm 2011 giảm 70% so với mức năm 2002 (World Bank, 2020[3]).
Trong thập kỷ qua, các dịch vụ cơ bản đã được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2011, tỷ lệ tiếp cận điện năng đạt 100% ở khu vực thành thị và đến năm 2016 đạt trên 99% dân số, sử dụng 8 đường dây 500 kV dài 368 km và 18 đường dây 220 kV dài 542 km do Tổng công ty truyền tải điện (EVN NPT) vận hành (EVNNPT, 2020[4]) (World Bank, 2019[5]) . Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đang gây áp lực ngày càng lớn lên cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Mặc dù mức đầu tư đã tăng từ các hoạt động kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua, tuy nhiên vẫn đòi hỏi mức đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để mở rộng lưới điện hiện tại và tăng nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện bình quân đầu người ngày càng tăng. Hai đầu của đất nước, khu vực phía bắc xung quanh đồng bằng sông Hồng - nơi có thủ đô Hà Nội - và Đông Nam Bộ là những vùng đông dân và phát triển, cũng là nơi tập trung sản xuất công nghiệp cao nhất, do đó có nhu cầu năng lượng lớn nhất. Tuy nhiên, Việt Nam có vị trí địa lý đầy thách thức cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, phần đất liền trải dài từ Bắc vào Nam trên 1.650 km theo hình chữ S, rộng nhất là 500 km và hẹp nhất chỉ 50 km. Hơn nữa, khoảng 75% đất nước được hình thành từ các vùng núi thấp và đồi núi. Điều này đặt ra những hạn chế về quỹ đất dành cho công nghiệp và nông nghiệp và các dự án năng lượng quy mô lớn (Vietnam Embassy, 2020[6]) (OECD, 2019[7]).
Các xu hướng chính về nhu cầu và hiệu quả tiết kiệm năng lượng
Nhu cầu năng lượng và mức phát thải liên quan đến năng lượng đang tăng lên nhanh chóng
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với dự báo kinh tế - xã hội trong dài hạn có mức tăng trưởng GDP trung bình 6,6% một năm cho giai đoạn 2021-2030 và 5,7% cho giai đoạn 2031-2045. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam đã được coi là một điểm đến hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất chi phí thấp đi kèm với khối lượng lớn. Xu hướng này càng được củng cố qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu. Trong khi tỷ trọng nông nghiệp đang dần thu hẹp, các hoạt động sử dụng nhiều năng lượng hơn lại đang gia tăng. Năm 2020, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (bao gồm khai khoáng, chế tạo, xây dựng, điện, nước và khí đốt) chiếm 33,7% GDP, trong đó, công nghiệp chế tạo chiếm 16,7% GDP. (World Bank, 2021[8]) (World Bank, 2020[3]).
Theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu năng lượng (tính theo tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, TFC) đã tăng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là do quá trình công nghiệp hóa và gia tăng dân số. Nhu cầu sử dụng điện đang tăng lên, với tỷ trọng trong nhu cầu năng lượng tổng thể tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2010-2018, từ 15% lên 27%. Nguồn nhiên liệu hóa thạch đã đóng một vai trò lớn trong việc đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của Việt Nam và do đó đã làm tăng đáng kể lượng phát thải CO2 liên quan đến hoạt động năng lượng (Hình 1.1). Năm 2018, Việt Nam có tổng lượng tiêu thụ năng lượng từ nguồn than và dầu lần lượt là 24% và 34%. Trong khi 27% lượng tiêu thụ năng lượng cho hoạt động sản xuất điện, trong đó chủ yếu phụ thuộc vào nguồn than và khí đốt tự nhiên cùng với tỉ trọng nguồn thủy điện đang giảm đi. Trong bối cảnh đó, ngành điện đang ngày càng làm gia tăng lượng phát thải trong số các hoạt động năng lượng. Với những hạn chế về nguồn cung cấp than trong nước, Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu than và dầu (với mức độ thấp hơn), góp phần gây ra tình trạng bất ổn an ninh năng lượng. Năm 2020, nhập khẩu than lên tới 31,57 triệu tấn từ các nước như Úc, Trung Quốc, Indonesia và Nga, tăng 53,8% so với năm trước. (IEA, 2020[9]).
Việc thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào chương trình tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng để phù hợp với nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh, từ đó hợp lý hóa các kế hoạch mở rộng sản xuất điện, điều chỉnh lượng phát thải liên quan đến năng lượng và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện VIII đã hướng tới nâng tổng công suất lắp đặt lên 130 GW vào năm 2030 từ mức khoảng 69 GW vào năm 20201. Tuy nhiên, tổng cung năng lượng tính theo đơn vị GDP hầu như không đổi kể từ năm 2000 và nhu cầu năng lượng công nghiệp tính theo đơn vị GDP đã tăng lên trong những năm gần đây cho thấy tiềm năng cải thiện hiệu quả năng lượng vẫn còn lớn. Hơn nữa, nếu không có cải thiện, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng có thể tăng gấp 3,5 lần vào năm 2050, không chỉ do ngành công nghiệp thúc đẩy mà còn do sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành giao thông vận tải và nhu cầu dân cư gia tăng (Hình 1.3) (EREA & DEA, 2019[10]).
Công nghiệp và dân dụng là những lĩnh vực cần ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả
Nền kinh tế Việt Nam sử dụng nhiều năng lượng, với mức tiêu thụ thuộc hàng cao nhất thế giới. Khu vực công nghiệp là ngành sử dụng năng lượng nhiều nhất, chiếm khoảng 54% nhu cầu tính trong năm 2018. Tỷ lệ này đã tăng gấp hơn bốn lần kể từ năm 2000 (IEA, 2020[11]). Một số lĩnh vực quan trọng nhất đối với hoạt động cải thiện hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp bao gồm nhiệt thải trong quá trình sản xuất xi-măng, sắt thép, may mặc, giấy và bột giấy. Từ chỗ chủ yếu bao gồm những ngành đòi hỏi lượng lớn lao động với kỹ năng thấp như ngành giày dép và dệt may, nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng tỷ lệ các ngành sản xuất yêu cầu kỹ năng cao như máy móc và thiết bị điện tử, chiếm tới 39% giá trị xuất khẩu trong năm 2019 (ITC, 2021[12]). Giá điện thấp so với mặt bằng khu vực đã tạo thêm động lực khuyến khích thành lập doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam, nhưng đồng thời chính đặc điểm này lại không mấy khuyến khích việc áp dụng những thông lệ về hiệu quả năng lượng trong ngành. Nền kinh tế và dân số tăng trưởng nhanh cũng thúc đẩy nhu cầu năng lượng trong các lĩnh vực dân dụng với những hoạt động ưu tiên quan trọng là nấu ăn, điều hòa không khí và thắp sáng (EREA & DEA, 2019[10]). Ngoài ra, mức thu nhập hộ gia đình gia tăng, tầng lớp trung lưu cũng dần mở rộng, dự kiến tăng khoảng 13% dân số và sẽ đạt tới 26% vào năm 2026 dẫn tới gia tăng lượng nhà ở, diện tích mặt sàn, tăng số lượng thiết bị gia dụng (World Bank, 2021[13]).
Trong bối cảnh đó, nhu cầu điện đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc, lên tới 227,21 TWh vào năm 2018, tăng 59% kể từ năm 2015. Ngành công nghiệp chiếm gần 60% tổng mức tiêu thụ điện, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010. Ngành dân dụng chiếm 33% còn lại, với mức tiêu thụ điện nhanh chóng thay thế nhiên liệu sinh học trong các tòa nhà. Đối với hộ gia đình trong khu dân cư, tình trạng tăng nhu cầu về các đồ gia dụng và thiết bị điện khác, chẳng hạn như điều hòa không khí, sẽ làm tăng nhu cầu điện hơn nữa, đặc biệt là vào giờ cao điểm (Hình 1.4). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội cắt giảm chi phí nhờ các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, có thể cắt giảm 12% mức tăng trưởng nhu cầu điện đến năm 2030 nhờ vào việc sử dụng 50% các công nghệ tiết kiệm điện, chi phí thấp nhất (EREA & DEA, 2019[10]).
Tiến bộ đạt được trong các biện pháp hiệu quả năng lượng thông qua các chương trình VNEEP
Hiệu quả năng lượng được ưu tiên tại Việt Nam thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả (VNEEP I và II) giai đoạn 2006-2015, trong đó đưa ra một số mục tiêu và hướng dẫn xây dựng khung pháp lý và quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả. VNEEP II đặt mục tiêu tổng thể cho giai đoạn 2011-2016 là tiết kiệm 5-8% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng, tương đương 11-17 triệu tấn dầu tương đương. Việt Nam đã đạt được mục tiêu này và vào cuối chương trình, mức tiết kiệm năng lượng tổng thể lên tới 5,81%, tương đương 12,61 triệu tấn dầu tương đương, đạt được các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp (RCEE, 2016[14]). Cường độ sử dụng năng lượng năm 2015 so với năm 2010 giảm 10,9% trong ngành xi măng, 24,5% trong ngành sắt thép và 19% trong ngành dệt may và thuộc da. (Ha Dang Son, 2020[15]) (thảo luận ở chương 3). Việc ngắt quãng giữa 02 chương trình VNEEP II, kết thúc vào năm 2016 và VNEEP III bắt đầu vào năm 2019, đã dẫn đến việc phá vỡ động lực thúc đẩy chương trình nghị sự về hiệu quả năng lượng. Giai đoạn thứ ba của VNEEP hứa hẹn sẽ đổi mới chương trình bằng cách tăng cường các quy định để bắt kịp với các điều kiện thị trường, đồng thời ưu tiên năng lực giám sát và thực thi của chính quyền cấp tỉnh, những người chịu trách nhiệm thực hiện chính sách về hiệu quả năng lượng.
Xu hướng ngành điện
Sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành điện của Việt Nam
Thủy điện từng là công nghệ phát điện chủ đạo cho đến đầu những năm 2000. Năm 1995, thủy điện chiếm 72% tổng công suất phát điện, sau đó giảm xuống còn 55% vào năm 2000 và 32% vào năm 2005 (IEA, 2020[11]). Trong khi nhu cầu điện tăng nhanh do quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, mức độ khả dụng của các nguồn thủy điện giá rẻ đã giảm xuống do Việt Nam đã khai thác hần hết nguồn tiềm năng có thể. Do đó, việc phát triển dự án phát điện than và khí trở thành ưu tiên để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, đồng thời đi kèm các tác động tăng phát thải khí nhà kính và những lo ngại về sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí. Tỷ lệ phát điện từ nguồn than và khí lần lượt chiếm 47% và 17% sản lượng điện trong năm 2018 (Hình 1.5).
Trong những năm qua, ngành điện cũng đã cố gắng để đạt mức công suất theo kịp với nhu cầu ngày càng tăng nhanh và vẫn đang đối mặt với những lo ngại về nguy cơ thiếu điện ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các chính sách đặc quyền rộng mở đã giúp thu hút các nhà phát triển nước ngoài theo mô hình Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT). Cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn ngân sách nhà nước dẫn đến khó khăn trong việc cấp bảo lãnh (Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/ QH13 năm 2015). Điều này dẫn đến thời gian đàm phán với các đơn vị phát triển lâu hơn và nhiều các dự án bị trì hoãn. Một số cuộc đàm phán đã kéo dài tới 8 đến 10 năm. Bộ Công Thương nhận định rằng trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 58% công suất nhiệt điện than theo kế hoạch đi vào hoạt động. (IEEFA, 2020[16]).
Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện VIII đã tạm dừng hoặc hủy gần một phần ba công suất điện than trong kế hoạch cho đến sau năm 2030 do chậm trễ tiến độ kéo dài, các bên cho vay ngày càng miễn cưỡng và dư luận tiêu cực từ công chúng ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, mối lo ngại về tác động môi trường xã hội của các chất ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt than ngày càng tăng lên. Đồng thời chính quyền và cộng đồng các tỉnh như ở Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế và Quảng Ninh cũng đang thu hồi lại các địa điểm tiềm năng của nhà máy (IEEFA, 2020[16]). Tuy nhiên, tổng tỉ trọng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và nhiệt điện chạy dầu sẽ chiếm 52% công suất lắp đặt theo kế hoạch vào năm 2030. Điều này làm tăng nguy cơ rơi vào con đường tạo mức phát thải cao và đầu tư vào các tài sản ứ đọng, cũng như phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu do nguồn cung than trong nước bị hạn chế.
Không chỉ đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đề ra trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), việc huy động nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất còn có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho hệ thống điện. Trước nguy cơ thiếu điện ngày càng tăng, năng lượng tái tạo cung cấp thêm một lựa chọn để bắt kịp với nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng và có thể tăng cường an ninh năng lượng thông qua các nguồn tài nguyên tái tạo trong nước.
Mức khai thác nguồn năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể trong những năm qua
Việt Nam đã trở thành thị trường năng lượng mặt trời hàng đầu trong khu vực, với 17.126 MW công suất lắp đặt vào cuối năm 2020, chiếm 22,9% tổng công suất lắp đặt (EVN, 2021[17]). Công suất điện gió đạt 537 MW vào năm 2020 và thêm 480 MW nữa sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc kể từ năm 2017, khi Việt Nam chỉ có 8 MW điện mặt trời và 205 MW điện gió (IRENA, 2018[18]) (Hình 1.6). Quy định đầu tiên về biểu giá điện FIT đối với năng lượng mặt trời hết hạn vào tháng 6 năm 2019 đã thúc đẩy làn sóng đầu tư ồ ạt đầu tiên. Nhà đầu tư được hưởng lợi từ biểu giá hấp dẫn theo tiêu chuẩn khu vực và thỏa thuận mua bán điện (PPA) mẫu (thảo luận trong chương 3). Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và QHĐ VII sửa đổi, công suất phát điện thực tế đã vượt qua các mục tiêu phát điện mặt trời. Bộ Công Thương cũng đã công bố thông tin rằng trong giai đoạn 2016 - 2020, 205% công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện trong quy hoạch đã đi vào hoạt động. (IEEFA, 2020[16]) (thảo luận ở chương 2).
Trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ ưu tiên đảm bảo tăng trưởng thị trường bền vững trước những thách thức xung quanh việc tích hợp an toàn năng lượng tái tạo biến thiên với mức gia tăng nhanh chóng trong hai năm qua. Các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn (trang trại) đã làm tăng tổng công suất từ 86 MW năm 2018 lên 8.852 MW vào cuối năm 2020. Trong một khoảng thời gian ngắn hơn nữa, với mức công suất chỉ từ 378 MW điện mặt trời áp mái vào năm 2019, tới năm 2020, con số này đã tăng lên 8.274 MW, với 101.996 dự án điện mặt trời áp mái đã được lắp đặt và đưa vào vận hành, tổng công suất lắp đặt lên đến lên 9 296 Mwp trước ngày 31 tháng 12, ngay trước khi hết hạn áp dụng biểu giá FiT cho điện mặt trời (Tuoi Tre, 2021[19]).
So sánh giữa năm 2018 và năm 2020, tỷ trọng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió đã tăng từ tỉ lệ cực nhỏ lên 5% trong tổng sản lượng điện. Tuy nhiên, tỉ trọng sản xuất từ nguồn thủy điện cùng kỳ đã giảm (5%), tỷ trọng nguồn điện khí cũng giảm (3%), lượng phát thải khí từ nguồn phát nhiên liệu hóa thạch gồm than và dầu tăng (theo tỉ lệ lần lượt là 3% và 1%). Điều này có nghĩa là tỷ trọng của sản lượng điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch đã tăng trong khoảng từ 64% lên 65% (Hình 1.7). Lý do chủ yếu là do khó khăn trong việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo biến thiên với tỉ trọng lớn hơn, sự không phù hợp giữa các giai đoạn của nhu cầu điện và sản lượng điện mặt trời, nhu cầu thấp hơn dự kiến do COVID-19. Thời điểm giữa trưa là lúc nhu cầu điện thấp, NLTT biến thiên sẽ tương đương với khoảng 40% sản lượng điện, tuy nhiên lượng điện mặt trời sẽ là không đủ vào buổi tối khi nhu cầu điện ở mức cao nhất, đòi hỏi các nhà máy điện thông thường phải hoạt động suốt ngày (EVN, 2021[20]).
Điều này dẫn đến việc cần cắt giảm công suất của các nhà máy phát điện, đặc biệt là của các đơn vị sản xuất điện độc lập từ nguồn năng lượng tái tạo trong những giai đoạn nhu cầu thấp. Tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh tế và nhu cầu điện vốn đang bị giảm đã khiến thách thức này càng khó khăn hơn. Ngay cả khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu điện tăng lên, vẫn cần phải đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng lưới điện mới trong thời gian tới để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hệ thống truyền tải. Trong dài hạn, cần có một loạt các giải pháp kỹ thuật dựa trên thị trường để hệ thống điện có thể linh hoạt và tích hợp kịp thời, an toàn, với mức phí phải chăng và tích hợp kịp thời thêm nữa các nguồn năng lượng tái tạo biến thiên (Điểm này được thảo luận trong chương 2 và 3) (EVN, 2021[20]).
Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về điện gió và điện mặt trời
Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào mà cho đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc gia tăng khai thác năng lượng mặt trời gần đây hầu như vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của Việt Nam. Trong đó, tiềm năng kinh tế của 380 GW công suất điện mặt trời đã được xác định, tập trung chủ yếu ở các vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. (EREA & DEA, 2019[10]) (Bảng 1.1). Tuy nhiên, việc tập trung tiềm năng ở các khu vực miền Nam và miền Trung đã gây tắc nghẽn đáng kể cho lưới điện truyền tải do nhu cầu thấp ở các khu vực miền Trung và nhu cầu cao ở miền Bắc trong khi đó tại miền Bắc, nguồn năng lượng mặt trời lại có chất lượng thấp hơn.
Việt Nam có một số nguồn tài nguyên gió tốt nhất Đông Nam Á với 217 GW tiềm năng gió trên đất liền, cũng tập trung ở các vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (EREA & DEA, 2019[10]) (Netherlands Enterprise Agency, 2018[21]). Việt Nam cũng được hưởng lợi từ 3260 km bờ biển, không bao gồm các đảo, với một số vị trí hấp dẫn các dự án điện gió ngoài khơi ở phía Bắc và Nam. Trong khi con số ước tính về tiềm năng kỹ thuật2 của các dự án điện gió trụ cố định và điện gió nổi ngoài khơi khác nhau nhưng đều cực kỳ khả quan, dao động từ 160 GW đến cao nhất là 309 GW (Danish Energy Agency, 2020[22]) (Global Wind Energy Council, 2019[23]).
Thủy điện đã là nguồn phát điện chính trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ năm 1964, với nhà máy thủy điện lớn đầu tiên, nhà máy thủy điện Thác Bà, công suất 108 MW, được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô. Đặc biệt, nhà máy thủy điện Hòa Bình với công suất 1920 MW được xây dựng năm 1989 gần thủ đô Hà Nội là công trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. (IHA, 2014[24]) Trong số khoảng 20 GW tiềm năng tài nguyên có thể khai thác về mặt kinh tế cho thủy điện lớn, có gần 17 GW đã đi vào hoạt động vào năm 2019 (EVN, 2019[25]). Mặc dù về tính khả thi kinh tế hiện tại, con số tiềm năng kỹ thuật có thể là khoảng 35 GW, nhưng hiện tỷ lệ đã khai thác ở mức cao nên phạm vi bổ sung công suất sẽ bị hạn chế. Vẫn còn tiềm năng cho nguồn thủy điện nhỏ có tổng tiềm năng khoảng 6,7 GW, trong đó 3 GW đã đi vào hoạt động (EREA & DEA, 2019[10]). Mặt khác tiềm năng khác đối với nguồn tài nguyên thủy điện của Việt Nam là thủy điện tích năng. Nguồn này có thể giúp tích hợp nguồn phát năng lượng tái tạo bằng cách cung cấp một nguồn năng lượng quan trọng, linh hoạt, có thể điều độ và lưu trữ giúp cân bằng cung và cầu (OECD, 2020[26]). Mặc dù thủy điện Việt Nam có tiềm năng lớn về tích năng hồ chứa nhưng cũng có một số hạn chế như chi phí và tính tương thích với hệ thống phát và truyền tải điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự án thủy điện tích năng Bác Ái, công trình thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam, hiện đang được EVN phát triển với công suất 1.200MW và dự kiến hoàn thành vào năm 2029.
Nguồn điện sinh khối ở dạng gỗ, bã mía, trấu, hoặc rơm rạ đang được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp và trong các hộ gia đình. Đối với năng lượng sinh học, tiềm năng kỹ thuật để sản xuất điện từ tài nguyên sinh khối là 7 GW và từ chất thải rắn là 1,5 GW, trong đó hiện mới khai thác 0,3 GW (EREA & DEA, 2019[10]).
Bảng 1.1. Tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo |
Tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo (GW) |
---|---|
Điện mặt trời |
380 |
Điện gió trên bờ |
217 |
Điện gió ngoài khơi* |
309 |
Thủy điện lớn |
20 |
Thủy điện nhỏ |
6,7 |
Sinh khối |
7 |
Năng lượng từ chất thải rắn |
1,5 |
Ghi chú: Các giá trị được thể hiện ở dạng tiềm năng kinh tế, là công suất phát từ nguồn năng lượng tái tạo có hiệu quả kinh tế theo các nghiên cứu. Điện gió ngoài khơi* được biểu thị dưới dạng tiềm năng kỹ thuật, đưa ra ước tính cận trên về tiềm năng phát triển, dựa trên hiệu suất hệ thống nhất định cùng các hạn chế về địa hình, môi trường và sử dụng đất.
Nguồn: EREA & DEA (2019): Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019; Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (2018): Báo cáo điện gió toàn cầu 2018; Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (2017): Báo cáo Hiện trạng Thủy điện 2017
Thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam
Đầu tư công đã hỗ trợ phần lớn các dự án nguồn điện, chủ yếu từ thủy điện lớn và nhiệt điện than
Phần lớn công suất phát điện ở Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước, như EVN, PVN và TKV, chiếm 59% công suất lắp đặt vào năm 2020, giảm so với 70% công suất lắp đặt quy mô lớn vào năm 2018 (VIET, 2021[27]). Tỉ trọng công suất lắp đặt từ các doanh nghiệp nhà nước giảm do phần lớn công suất điện gió và điện mặt trời mới triển khai là thuộc doanh nghiệp tư nhân (Hình 1.9). Trước đó, đầu tư tư nhân trong nước chủ yếu tập trung vào các dự án thủy điện, trong khi đó các nhà máy nhiệt điện đã thu hút được lượng đầu tư nước ngoài dưới hình thức BOT theo Luật đối tác công tư của Việt Nam. (Samantha Campbell and Long Huynh, 2018[28]).
Để thu hút nguồn tài chính quốc tế và tài trợ chi phí thấp từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu, trong những thập kỷ qua, BOT đã được hưởng lợi từ Cam kết và Bảo lãnh của Chính phủ (GGU) để có thể giảm thiểu một số rủi ro như không thực hiện bao tiêu và cung ứng, điều chỉnh lạm phát và chuyển đổi Đồng Việt Nam, chấm dứt nghĩa vụ thanh toán. Gần đây, Việt Nam đã phải cân bằng giữa nhu cầu thu hút tài trợ từ nước ngoài với việc thắt chặt không gian tài khóa. Thông qua Luật Quản lý nợ công và Nghị quyết 55 với định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia, các yêu cầu trở nên khắt khe hơn rất nhiều trong việc cấp bảo lãnh nhà nước cho các dự án phát điện.
Ngược lại, mức đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện khí ngày càng tăng. Với nguồn cung khí tự nhiên từ các nguồn trong nước ngày càng giảm, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu LNG. Điều này sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể của khu vực tư nhân quốc tế và chuyên môn về chuỗi phát điện từ khí LNG. Dự thảo PDP VIII đặt mục tiêu đạt 27 GW vào năm 2030 từ con số 9 GW vào năm 2020, điều này cũng sẽ khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Việt Nam hiện là thị trường năng lượng tái tạo lớn thứ 7
Trong thời gian qua, Việt Nam nổi bật với hai làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo lớn theo cơ chế giá điện FiT vào năm 2019 và 2020 đối với các dự án điện mặt trời quy mô lớn và điện mặt trời mái nhà vào năm 2020, chiếm 17.126 MW công suất mặt trời đã lắp đặt. Việc phát triển 8.274 MW điện mặt trời mái nhà vào năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba vào năm 2020 và thị trường năng lượng tái tạo lớn đứng thứ 7 (Bloomberg, 2021[29]). Trước đó, Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ, với mức đầu tư thấp, cách xa các nước láng giềng như Malaysia, Philippines và Thái Lan. (ADBI, 2018[30]). Theo báo cáo đánh giá về chi tiêu cho khí hậu ước tính từ năm 2011 đến 2015, khu vực tư nhân đã đầu tư khoảng 9,75 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, phần lớn trong số đầu tư đó tập trung vào 150 dự án thủy điện quy mô nhỏ. (GIZ, 2019[31]). Riêng năm 2019, con số đầu tư là 3,9 tỷ USD, tăng mạnh lên 7,4 tỷ USD vào năm 2020 (Bloomberg, 2021[29]).
Với mức quan tâm mạnh mẽ đến thị trường năng lượng mặt trời, Bộ Công Thương tin tưởng rằng Việt Nam có thể thu hút đầu tư để sản xuất điện sạch với tốc độ nhanh hơn so với các nhà máy điện thông thường trước đây. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư đầu tiên này chủ yếu diễn ra thông qua các nhà đầu tư trong nước và khu vực, có ít các đơn vị phát triển và tài chính quốc tế. Về vấn đề này, các mối quan ngại dấy lên xung quanh các vấn đề về giấy phép, quỹ đất, khả năng cấp vốn theo các điều khoản PPA, cũng như rủi ro cao về việc cắt giảm công suất của các dự án năng lượng tái tạo mà không có thỏa thuận “take or pay” (nhận điện hoặc trả tiền), gần đây nhất là tính bất trắc của thị trường đối với việc chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu (thảo luận trong chương 5). Khi Việt Nam hướng tới các dự án lớn hơn hoặc rủi ro hơn như điện gió ngoài khơi, một số yếu tố nêu trên, đặc biệt là việc chia sẻ rủi ro giữa cơ quan nhà nước, EVN và đơn phát triển năng lượng tái tạo có thể cần được xem xét lại để huy động đủ vốn đầu tư.
Nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng cạnh tranh về chi phí
Từ một thị trường nhỏ về các nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn, với khoảng 86 MW lắp đặt vào năm 2018, Việt Nam đã nhanh chóng phát triển với 5.351 MW lắp đặt vào cuối năm 2019 và thêm 3.530 MW vào năm 2020. Mức chi phí lắp đặt các dự án điện mặt trời quy mô lớn (trung bình trọng số toàn cầu) được vận hành vào năm 2019 lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 1000 USD/ kW, chỉ còn 995 USD/kW. Nhờ quá trình phát triển thị trường tại Việt Nam, chi phí lắp đặt trung bình đã rất gần với mức trung bình toàn cầu vào năm 2019, ở mức 1054 USD/ kW, giảm hơn một nửa kể từ năm 2016. Chi phí lắp đặt giảm nên chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) của nhà máy điện mặt trời quy mô lớn (trang trại) tại Việt Nam đã giảm 55% xuống 82 USD/ MWh so với cùng kỳ (IRENA, 2020[32]).
Dù điện gió ngoài khơi vẫn đang trong giai đoạn đầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã ước tính LCOE cho 24 dự án điện gió ngoài khơi có công suất tiềm năng 500 MW được phân bổ tại các địa điểm trong danh sách lựa chọn. Từ đó, mức LCOE được xác định từ 81 EUR/ MWh đến 120 EUR/ MWh, với các địa điểm tốt nhất dọc Duyên Hải ‑ Nam Trung Bộ. Mức chi phí này có thể so sánh với các ước tính ban đầu về LCOE cho các dự án điện gió ngoài khơi ở các nước như Vương quốc Anh (Danish Energy Agency, 2020[22]) (BVG, 2015[33]).
Mặc dù nhu cầu điện giảm do tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, yêu cầu về mức phát điện cao hơn vẫn là ưu tiên hàng đầu để theo kịp với dự báo tăng trưởng nhu cầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Với việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư và các công nghệ tái tạo mới với giá cả hợp lý, chính phủ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ phát triển kịp thời trong sản xuất năng lượng sạch. Đổi mới liên tục trong công nghệ năng lượng tái tạo đã thúc đẩy chi phí ngày càng cạnh tranh. Với sức hấp dẫn từ nguồn năng lượng mặt trời và gió chất lượng cao, mức tăng trưởng kinh tế ổn định, các nhà phát triển, nhà cung cấp thiết bị và tổ chức tài chính quốc tế đã thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong khi theo dự báo tới năm 2030, hầu hết các thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ có LCOE năng lượng tái tạo thấp hơn so với điện than thì Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan được dự báo sẽ có mức chi phí cho năng lượng tái tạo thấp hơn ngay từ năm 2021 (Wood Mackenzie, 2020[34]).
Thị trường sử dụng năng lượng hiệu quả trong nước có nhiều dư địa để mở rộng
Các mục tiêu tiết kiệm năng lượng được thiết lập trong khuôn khổ VNEEP I & II đều đạt được mặc dù nguồn ngân sách công được huy động cho chương trình còn hạn chế, ở mức khoảng 24 triệu USD (518 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi xem xét tiềm năng lợi ích kinh tế, đầu tư tư nhân vào các biện pháp hiệu quả năng lượng vẫn chưa được mở rộng đủ quy mô, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp và dân dụng, vốn là những ngành cần tập trung nhất. Điều này là do một số lý do, bao gồm giá điện cho ngành công nghiệp thấp theo tiêu chuẩn khu vực, cần có tăng cường năng lực thể chế để giám sát và thực thi các quy định về hiệu quả năng lượng, cũng như hiểu biết và chuyên môn kỹ thuật cao hơn của các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng và các tổ chức tài chính trong nước. Đối với các hộ gia đình, hiệu suất năng lượng của các thiết bị và việc thực thi các quy chuẩn về xây dựng sẽ ngày càng quan trọng khi tầng lớp trung lưu mới nổi của Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn VNEEP III, cần tăng cường hơn nữa các khuôn khổ chính sách và quy định để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sử dụng năng lượng hiệu quả. Để thúc đẩy hiệu quả năng lượng giữa các ngành công nghiệp, đánh giá của Bộ Công Thương về tiềm năng sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam xác định nhu cầu đầu tư là 3,6 tỷ USD (World Bank, 2020[35]). Theo một nghiên cứu của UNDP, đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án hiệu quả năng lượng trong các hoạt động như thay thế thiết bị, tuần hoàn năng lượng và đổi mới công nghệ chỉ lên tới 630 triệu USD trong giai đoạn 2011-2015, rất thấp so với quy mô nền kinh tế. (GIZ, 2019[31]).
Chính phủ Việt Nam đang thực hiện một số hành động trong VNEEP III để hỗ trợ đầu tư vào chương trình hiệu quả năng lượng, bao gồm các hoạt động ở cấp tỉnh thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động về sử dụng năng lượng hiệu quả cấp tỉnh và tăng cường tập trung vào việc thực thi pháp luật. Các ESCO hiện nay trên thị trường phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận tài chính, do yêu cầu cao về tài sản bảo lãnh từ các ngân hàng thương mại. Trong khi các ngân hàng trong nước còn hạn chế kinh nghiệm trong các dự án hiệu quả năng lượng, kế hoạch hành động đối với ngân hàng xanh sẽ giúp giải quyết những thách thức này, bằng cách cấp tín dụng cho các dự án bền vững với môi trường bao gồm cả dự án hiệu quả năng lượng (được thảo luận trong chương 6).
Chứng nhận công trình xanh đã tăng từ năm 2012. Một dấu mốc quan trọng là việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN09: 2017/ BXD) của Bộ Xây dựng, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với thiết kế, xây dựng và cải tạo đối với các tòa nhà có diện tích sàn bằng hoặc lớn hơn 2500m2. Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số hệ thống chứng nhận công trình xanh đang hiện hữu ở Việt Nam, phổ biến nhất là LOTUS được phát triển vào năm 2009 bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, LEED (Định hướng Thiết kế Năng lượng và Môi trường) do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ xây dựng, đã áp dụng tại thị trường Việt Nam từ năm 2008 và EDGE (Thiết kế xuất sắc - Đạt hiệu quả cao) do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng cho các quốc gia đang phát triển và áp dụng tại Việt Nam từ năm 2015. Số lượng các dự án được chứng nhận ngày càng tăng và đến năm 2021, 179 tòa nhà đã được chứng nhận theo các hệ thống này, chiếm 4.141.266 mét vuông (Hình 1.10 ). Kể từ khi quy chuẩn xây dựng có hiệu lực vào năm 2013, các báo cáo của chính phủ về tính tuân thủ của các công trình cho thấy đã giảm 130 000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với khoảng 28 triệu USD tiết kiệm hàng năm cho các chủ sở hữu tòa nhà. Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra kế hoạch tăng hiệu quả tại các toà nhà công, mặc dù là chủ sở hữu và nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản. Các chính sách và khuyến khích ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh để khuyến khích phát triển công trình xanh mới còn hạn chế (IFC, 2021[36]).
Tài liệu tham khảo
[30] ADBI (2018), GREEN FINANCE IN VIET NAM: BARRIERS AND SOLUTIONS, https://www.adb.org/sites/default/files/publication/466171/adbi-wp886.pdf.
[29] Bloomberg (2021), What Does $500 Billion for Clean Energy Mean for Climate Change?, https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-01-21/what-does-500-billion-for-clean-energy-mean-for-climate-change (accessed on 1 April 2021).
[33] BVG (2015), Approaches to cost-reduction in offshore wind A report for the Committee on Climate Change, https://www.theccc.org.uk/wp-content/uploads/2015/06/BVG-Associates-2015-Approaches-to-cost-reduction-in-offshore-wind.pdf.
[48] Cuong, T. et al. (2021), Renewable energy from biomass surplus resource: potential of power generation from rice straw in Vietnam, Nature Research, https://www.nature.com/articles/s41598-020-80678-3.
[22] Danish Energy Agency (2020), Input to roadmap for offshore wind, https://ens.dk/sites/ens.dk/files/Globalcooperation/d5_-_input_to_roadmap_for_offshore_wind_development_in_vietnam_full_report_english_final_2020-09-21.pdf.
[47] Effigis Geo-Solutions (2018), Assessment of rooftop photovoltaic solar energy potential in Vietnam.
[10] EREA & DEA (2019), The Vietnam Energy Outlook Report 2019, https://ens.dk/sites/ens.dk/files/Globalcooperation/vietnam_energy_outlook_report_2019.pdf.
[17] EVN (2021), Presentation during OECD Clean Energy Finance and Investment Review of Viet Nam.
[20] EVN (2021), Rooftop solar power boom is underway with a total installed capacity reaching nearly 9,300 MWp, https://en.evn.com.vn/d6/news/Rooftop-solar-power-boom-is-underway-with-a-total-installed-capacity-reaching-nearly-9300-MWp-66-142-2169.aspx.
[49] EVN (2020), Performance in the first 9 months of 2020 and objectives and tasks for the last 3 months of 2020.
[25] EVN (2019), EVN Overview of hydropower in Vietnam.
[4] EVNNPT (2020), National Power Transmission Corporation, https://www.npt.com.vn/c3/en-US/he-thong-truyen-tai-dien/Operations-5-315.
[31] GIZ (2019), Measuring private investments into green growth: Vietnam´s Private Climate Expenditure and Investments Review.
[41] GIZ (2016), Vietnam Power Development Plan for the period of 2011 - 2020 - Highlights of the PDP 7 revised, http://gizenergy.org.vn/en/item-detail/highlights-pdp-7-revised.
[23] Global Wind Energy Council (2019), Market to Watch: Vietnam Offshore Wind, https://gwec.net/market-to-watch-vietnam-offshore-wind/.
[15] Ha Dang Son, B. (2020), Industrial Energy Efficiency in Vietnam: From Policy to Implementation, https://data.worldbank.org.
[9] IEA (2020), VIETNAM: COAL IMPORTS RISE TO RECORD LEVELS, International Centre for Sustainable Carbon- News, http://iea-coal.org/vietnam-coal-imports-rise-to-record-levels/ (accessed on 2 July 2021).
[11] IEA (2020), World Energy Balances, https://www.iea.org/data-and-statistics.
[16] IEEFA (2020), New Regulations Threaten Vietnam’s Remaining Coal Pipeline.
[36] IFC (2021), CEC Workshop Paper: developing Land and Real Estate Market Meeting Green Criteria, World Bank Group, Washington, https://www.asiapropertyhq.com/vietnam-.
[24] IHA (2014), International Hydropower Association - country profile Viet Nam, https://www.hydropower.org/country-profiles/vietnam.
[2] IMF (2021), Vietnam: Successfully Navigating the Pandemic, https://www.imf.org/en/News/Articles/2021/03/09/na031021-vietnam-successfully-navigating-the-pandemic.
[43] IMF (2020), Vietnam’s Development Success Story and the Unfinished SDG Agenda1, https://www.imf.org/~/media/Files/Publications/WP/2020/English/wpiea2020031-print-pdf.ashx.
[38] IMF (2018), IMF Country Report No. 19/235, https://www.imf.org/~/media/Files/Publications/CR/2019/1VNMEA2019002.ashx.
[51] Institute of Energy (2021), Draft Power Development Plan 2021-2030 with a vision to 2045.
[18] International Renewable Energy Agency (ed.) (2018), RENEWABLE CAPACITY STATISTICS 2018, http://www.irena.org.
[32] IRENA (2020), IRENA Power Generation Costs 2019, https://www.irena.org/-/media/Files/IRENA/Agency/Publication/2020/Jun/IRENA_Power_Generation_Costs_2019.pdf.
[12] ITC (2021), Trade Map - List of products at 2 digits level exported by Viet Nam in 2019, https://www.trademap.org/Product_SelProductCountry.aspx?nvpm=1%7c704%7c%7c%7c%7cTOTAL%7c%7c%7c2%7c1%7c1%7c2%7c1%7c1%7c1%7c1%7c1%7c1.
[21] Netherlands Enterprise Agency (2018), WIND ENERGY POTENTIAL VIETNAM, https://www.rvo.nl/sites/default/files/2019/02/Wind-Energy-Potential-Vietnam.pdf.
[44] OECD (2021), Clean Energy Finance and Investment Mobilisation, http://www.oecd.org/cefim/ (accessed on 5 March 2021).
[26] OECD (2020), Multi-dimensional Review of Viet Nam: Towards an Integrated, Transparent and Sustainable Economy, OECD Development Pathways, OECD Publishing, Paris, https://dx.doi.org/10.1787/367b585c-en.
[46] OECD (2020), OECD Investment Policy Reviews: Indonesia 2020, OECD Investment Policy Reviews, OECD Publishing, Paris, https://dx.doi.org/10.1787/b56512da-en.
[45] OECD (2019), OECD Green Growth Policy Review of Indonesia 2019, OECD Environmental Performance Reviews, OECD Publishing, Paris, https://dx.doi.org/10.1787/1eee39bc-en.
[7] OECD (2019), Southeast Asia Going Digital: Connecting SMEs, http://dx.doi.org/www.oecd.org/going-digital/southeast-asia-connecting-SMEs.pdf.
[40] OECD (2018), OECD Investment Policy Reviews: Viet Nam 2018, https://www.oecd-ilibrary.org/finance-and-investment/oecd-investment-policy-reviews-viet-nam-2017_9789264282957-en;jsessionid=l0xqvdqLj4BULwjQE_czV26V.ip-10-240-5-54.
[14] RCEE (2016), Evaluation of Vietnam Energy Efficiency Program-Phase II.
[28] Samantha Campbell and Long Huynh (2018), Client briefing: Renewable energy in Vietnam, https://www.hoganlovells.com/en/publications/client-briefing-renewable-energy-in-vietnam.
[19] Tuoi Tre (2021), In the 89th minute of the policy, the solar power project increased “huge”, Business news, https://tuoitre.vn/phut-thu-89-cua-chinh-sach-du-an-dien-mat-troi-tang-khung-20210101103108829.htm (accessed on 17 June 2021).
[37] UNCTAD (2020), UNCTAD STAT, https://unctadstat.unctad.org/wds/ReportFolders/reportFolders.aspx.
[42] UNDP (2018), Private funding opportunities for renewable energy and energy efficiency investments in Viet Nam, https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/environment_climate/private-funding-opportunities-for-renewable-energy-and-energy-ef.html.
[27] VIET (2021), State management role in power sector, Vietnam Initiative for Energy Transition, Hanoi, Vietnam.
[6] Vietnam Embassy (2020), Embassy of the Socialist Republic of Viet Nam in the United States of America, http://vietnamembassy-usa.org/vietnam/geography.
[34] Wood Mackenzie (2020), Renewables in most of Asia Pacific to be cheaper than coal power by 2030, https://www.woodmac.com/press-releases/renewables-in-most-of-asia-pacific-to-be-cheaper-than-coal-power-by-2030/.
[50] World Bank (2021), Green Climate Fund provide Vietnam with US$86.3 million to spur energy efficiency investments, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2021/03/08/wb-gcf-provide-vietnam-with-us863-million-to-spur-energy-efficiency-investments.
[13] World Bank (2021), Vietnam Overview, https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/overview.
[8] World Bank (2021), World Bank Development Indicators (database).
[35] World Bank (2020), International Development Association program document for proposed development policy credit in the amount of SDR 61.5, http://documents1.worldbank.org/curated/en/580071591668121859/pdf/Vietnam-Climate-Change-and-Green-Growth-Development-Policy-Financing.pdf.
[3] World Bank (2020), Poverty & Equity Brief: Viet Nam, https://databank.worldbank.org/data/download/poverty/987B9C90-CB9F-4D93-AE8C-750588BF00QA/AM2020/Global_POVEQ_VNM.pdf (accessed on 15 October 2020).
[1] World Bank (2020), World Bank Open Data: Vietnam, https://data.worldbank.org/country/vietnam (accessed on 15 October 2020).
[39] World Bank (2019), Accelerating Vietnam’s path to prosperity, https://blogs.worldbank.org/voices/accelerating-vietnams-path-prosperity.
[5] World Bank (2019), Connecting Vietnam for Growth and Shared Prosperity, http://documents1.worldbank.org/curated/en/590451578409008253/pdf/Vietnam-Development-Report-2019-Connecting-Vietnam-for-Growth-and-Shared-Prosperity.pdf.