Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty G20/OECD là tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu về quản trị công ty. Mục tiêu của Bộ Nguyên tắc là giúp các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý đánh giá và cải thiện các khuôn khổ pháp lý, quy định, và thể chế về quản trị công ty nhằm hỗ trợ niềm tin và sự toàn vẹn của thị trường, hiệu quả kinh tế, tăng trưởng bền vững, và ổn định tài chính.
Bộ Nguyên tắc đã được rà soát toàn diện trong giai đoạn 2021-2023 để cập nhật dựa trên những diễn biến gần đây về quản trị công ty và trên thị trường vốn. Bộ Nguyên tắc sửa đổi đã được Hội đồng cấp Bộ trưởng OECD phê chuẩn tháng 6 năm 2023 (Bộ Nguyên tắc được đưa vào Khuyến nghị về Nguyên tắc Quản trị Công ty của OECD [OECD/LEGAL/0413]) và được các Nhà lãnh đạo G20 phê chuẩn vào tháng 9/2023. Bộ Nguyên tắc cũng là một trong các Tiêu chuẩn Then chốt cho Hệ thống Tài chính Vững mạnh của Hội đồng Ổn định Tài chính, và là cơ sở cho các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Tình hình Tuân thủ Chuẩn mực và Nguyên tắc (ROSC) trong lĩnh vực quản trị công ty.
Đợt rà soát này có hai mục tiêu chính: hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận tài chính từ thị trường vốn, và thúc đẩy các chính sách quản trị công ty nhằm hỗ trợ sự bền vững và năng lực chống chịu của các công ty, nhờ đó góp phần cho sự bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế nói chung.
Theo đó, bước phát triển quan trọng trong Bộ Nguyên tắc là Chương mới về “Bền vững và năng lực chống chịu” phản ánh những thách thức ngày càng tăng mà các công ty phải đối mặt trong việc quản lý các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu cũng như các cơ hội và rủi ro khác liên quan đến bền vững. Chương mới này cũng tích hợp Chương IV về “Vai trò của các Bên có Quyền lợi Liên quan trong Quản trị Công ty” của phiên bản Bộ Nguyên tắc trước đó. Số lượng đáng kể các khuyến nghị mới cũng đã được xây dựng và tích hợp trong các chương hiện hữu của Bộ Nguyên tắc mà không làm thay đổi cấu trúc.
Việc rà soát Bộ Nguyên tắc được thực hiện bởi Ủy ban Quản trị Công ty của OECD, do ông Masato Kanda làm chủ tịch. Các thành viên OECD, G20 và các thành viên FSB tham gia trong Ủy ban và có đóng góp như nhau cho việc rà soát. Các hội nghị bàn tròn về quản trị công ty khu vực của OECD ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh, cũng như Cộng đồng Doanh nghiệp tại OECD (BIAC) và Ủy ban Cố vấn Công đoàn (TUAC) cũng có những đóng góp quan trọng. Tham vấn cộng đồng trực tuyến và tham vấn trực tiếp với các bên có quyền lợi liên quan cũng đã được tổ chức, và chuyên gia của các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt là Hội đồng Ổn định Tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã tham gia rà soát.
Để bảo đảm tính chính xác và phù hợp liên tục của Bộ Nguyên tắc, việc rà soát đã được các nghiên cứu thực nghiệm và hoạt động phân tích sâu rộng hỗ trợ và cung cấp thông tin để xem xét những thay đổi gần đây trên cả thị trường vốn cũng như chính sách và thông lệ quản trị công ty. Các báo cáo được xây dựng đã cung cấp thông tin để Ủy ban lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để cân nhắc trong quá trình rà soát cũng như bản thân các bản sửa đổi.
Hiện tại, OECD, G20 và các bên có liên quan sẽ nỗ lực thúc đẩy và giám sát việc thực hiện hiệu quả Bộ Nguyên tắc sửa đổi trên toàn cầu. Việc này sẽ bao gồm việc rà soát Phương pháp luận Đánh giá việc Thực hiện Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty và xuất bản thường xuyên Sổ tay Thông tin về Quản trị Công ty của OECD nhằm đánh giá việc thực hiện Bộ Nguyên tắc ở nhiều quốc gia.