Mục tiêu của Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty G20/OECD (“Bộ Nguyên tắc”) là giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá và cải thiện khuôn khổ pháp lý, quy định, và thể chế cho quản trị công ty, nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế, tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính. Về cơ bản, điều này có thể đạt được bằng cách cung cấp cho cổ đông, thành viên Hội đồng Quản trị và thành viên Ban Điều hành, lực lượng lao động và các bên có quyền lợi liên quan khác, cũng như các trung gian tài chính và nhà cung cấp dịch vụ thông tin và động cơ phù hợp để thực hiện vai trò của mình và giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình trong khuôn khổ cơ chế kiểm soát lẫn nhau.
Quản trị công ty bao gồm một tập hợp các mối quan hệ giữa Ban Điều hành, Hội đồng Quản trị, cổ đông của công ty, và các bên có lợi ích liên quan khác. Quản trị công ty cũng thiết lập cơ cấu và hệ thống giúp định hướng công ty và xây dựng mục tiêu của công ty, xác định phương tiện để đạt được các mục tiêu đó, và giám sát hiệu quả thực hiện mục tiêu.
Bộ Nguyên tắc không mang tính bắt buộc và không nhằm đưa ra quy định chi tiết để áp dụng trong luật pháp quốc gia. Bộ Nguyên tắc không thay thế và không được coi là có tác dụng phủ quyết luật pháp và quy định quốc gia. Thay vào đó, Bộ Nguyên tắc cố gắng xác định các mục tiêu và đưa ra những khuyến nghị khác nhau để đạt được các mục tiêu này, thường liên quan đến các yếu tố pháp lý, quy định, quy tắc niêm yết, cơ chế tự điều chỉnh, cam kết hợp đồng, cam kết tự nguyện, và hoạt động kinh doanh. Việc thực thi Bộ Nguyên tắc tại mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc bối cảnh pháp lý và quy định của quốc gia đó. Bộ Nguyên tắc hướng đến việc cung cấp một tài liệu tham chiếu chặt chẽ nhưng linh hoạt cho các cơ quan hoạch định chính sách và các bên tham gia thị trường xây dựng khuôn khổ riêng về quản trị công ty. Để duy trì năng lực cạnh tranh trong một thế giới thường xuyên biến động, các công ty phải cải cách và điều chỉnh hoạt động quản trị công ty để chứng tỏ khả năng đáp ứng các yêu cầu mới và nắm bắt cơ hội mới. Trên cơ sở cân nhắc chi phí và lợi ích của quy định, chính phủ có trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng một khung pháp lý hiệu quả và linh hoạt cho phép thị trường hoạt động hiệu quả và đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan. Bản thân Bộ Nguyên tắc có tính chất thường xuyên biến đổi và được rà soát trong bối cảnh những thay đổi đáng kể về hoàn cảnh nhằm duy trì vai trò là chuẩn mực quốc tế hàng đầu nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực quản trị công ty.
Các chính sách quản trị công ty được thiết kế tốt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế rộng hơn và ba lợi ích chính sách công chính. Trước tiên, các chính sách này giúp các công ty tiếp cận nguồn tài trợ, đặc biệt từ các thị trường vốn. Nhờ vậy, chính sách quản trị công ty thúc đẩy đổi mới, năng suất, và tinh thần kinh doanh, và thúc đẩy sự năng động kinh tế chung. Đối với bên cấp vốn, dù trực tiếp hay gián tiếp, quản trị công ty tốt có vai trò bảo đảm để họ có thể tham gia và chia sẻ việc tạo ra giá trị của công ty một cách công bằng và bình đẳng. Do đó, quản trị công ty tốt có ảnh hưởng đến chi phí của các công ty để tiếp cận vốn cho tăng trưởng.
Điều này có tầm quan trọng đáng kể trên thị trường vốn toàn cầu hóa ngày nay. Dòng vốn quốc tế cho phép các công ty tiếp cận nguồn tài trợ từ số lượng lớn các nhà đầu tư. Nếu các công ty và quốc gia muốn có được đầy đủ lợi ích từ thị trường vốn toàn cầu và thu hút được nguồn vốn “kiên nhẫn” dài hạn, khuôn khổ quản trị công ty phải đáng tin cậy, được hiểu rõ cả trong nước và qua biên giới, và phù hợp với các nguyên tắc được chấp nhận trên thế giới.
Thứ hai, chính sách quản trị công ty được thiết kế tốt sẽ tạo ra khuôn khổ để bảo vệ nhà đầu tư, bao gồm cả các hộ gia đình sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư. Một cơ cấu quy trình chính thức nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các thành viên Hội đồng Quản trị và thành viên Ban Điều hành đối với cổ đông sẽ giúp xây dựng niềm tin vào thị trường, từ đó hỗ trợ các công ty tiếp cận nguồn tài chính. Một bộ phận đáng kể công chúng đầu tư vào thị trường cổ phiếu đại chúng, trực tiếp trong vai trò nhà đầu tư bán lẻ, hoặc gián tiếp thông qua quỹ hưu trí và quỹ đầu tư. Việc cung cấp cho công chúng một hệ thống để họ có thể tham gia tạo ra giá trị doanh nghiệp, biết rằng quyền của mình được bảo vệ, sẽ giúp các hộ gia đình tiếp cận những cơ hội đầu tư có thể giúp họ đạt được lợi nhuận cao hơn từ tiền tiết kiệm và lương hưu. Do nhà đầu tư tổ chức ngày càng phân bổ phần lớn danh mục đầu tư ra thị trường nước ngoài, chính sách bảo vệ nhà đầu tư cũng cần bao trùm các khoản đầu tư xuyên biên giới.
Thứ ba, chính sách quản trị công ty được thiết kế tốt cũng hỗ trợ sự bền vững và năng lực chống chịu của các công ty, nhờ đó góp phần cải thiện sự bền vững và năng lực chống chịu của nền kinh tế nói chung. Các nhà đầu tư ngày càng mở rộng trọng tâm vào hiệu quả tài chính của các công ty để tính đến những rủi ro và cơ hội tài chính do những thách thức về kinh tế, môi trường, và xã hội rộng lớn hơn cũng như năng lực chống chịu và quản lý những rủi ro đó. Ở một số quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cũng tập trung vào cách thức hoạt động của các công ty để có thể góp phần giải quyết những thách thức này. Một khuôn khổ quản trị công ty hợp lý về khía cạnh bền vững có thể giúp các công ty nhận thức được và đáp ứng lợi ích của cổ đông và các bên liên quan khác nhau, cũng như góp phần cho thành công lâu dài của chính các công ty. Khuôn khổ như vậy phải bao gồm việc công bố những thông tin quan trọng liên quan đến bền vững, phải là thông tin đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được, bao gồm thông tin về biến đổi khí hậu. Trong một số trường hợp, các quốc gia có thể diễn giải khái niệm về công bố thông tin và tính trọng yếu liên quan đến bền vững thông qua các chuẩn mực có nêu rõ những thông tin mà một cổ đông hợp lý cần có để ra quyết định đầu tư hoặc biểu quyết.
Bộ Nguyên tắc có mục tiêu trở thành một tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, và dễ tiếp cận đối với tất cả các bên có vai trò trong phát triển và thực hiện quản trị công ty tốt trên toàn cầu. Trên cơ sở Bộ Nguyên tắc, chính phủ, các tổ chức bán công, hay khu vực tư nhân có nhiệm vụ đánh giá chất lượng của khung quản trị công ty và xây dựng các quy định bắt buộc hoặc tự nguyện chi tiết hơn, có tính đến những khác biệt về kinh tế, pháp lý và văn hoá quốc gia.
Bộ Nguyên tắc tập trung vào các công ty đại chúng trong cả lĩnh vực tài chính và phi tài chính. Trong phạm vi có thể, Bộ Nguyên tắc cũng là công cụ hữu ích để cải thiện quản trị công ty ở các công ty không phải là công ty đại chúng. Trong khi một số Nguyên tắc có thể phù hợp hơn đối với công ty lớn so với công ty nhỏ, các cơ quan hoạch định chính sách có thể muốn nâng cao nhận thức về quản trị công ty tốt cho tất cả các công ty, bao gồm cả những công ty nhỏ và công ty chưa niêm yết, cũng như những tổ chức phát hành chứng khoán nợ. Hướng dẫn về Quản trị Công ty đối với Doanh nghiệp Nhà nước của OECD bổ sung cho Bộ Nguyên tắc này. Các yếu tố khác liên quan đến quá trình ra quyết định của công ty, như các vấn đề về môi trường, chống tham nhũng hoặc đạo đức, không chỉ được xem xét trong Bộ Nguyên tắc mà còn trong một số tiêu chuẩn quốc tế khác, bao gồm Hướng dẫn của OECD dành cho Doanh nghiệp Đa quốc gia, Công ước OECD về Chống Hối lộ Công chức Nước ngoài trong các Giao dịch Kinh doanh Quốc tế, Nguyên tắc Gướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người của Liên hợp quốc, và Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và các Quyền tại nơi làm việc, đã được tham chiếu trong Bộ Nguyên tắc.
Bộ Nguyên tắc không nhằm gây tổn hại hay chỉ trích về nhận định kinh doanh của các bên tham gia thị trường, thành viên Hội đồng Quản trị, và thành viên Ban Điều hành công ty. Những gì hiệu quả ở một công ty hoặc một hoặc nhiều nhà đầu tư có thể chưa hẳn đã áp dụng được cho mọi trường hợp. Các công ty khác nhau về mức độ phát triển, quy mô, và mức độ phức tạp. Do đó, không có một mô hình duy nhất về quản trị công ty tốt. Tuy nhiên, Bộ Nguyên tắc áp dụng phương pháp tiếp cận hướng tới kết quả, đề xuất một số yếu tố chung làm nền tảng cho quản trị công ty tốt. Bộ Nguyên tắc dựa trên các yếu tố chung này và được xây dựng để bao quát các mô hình khác nhau hiện có.
Ví dụ, Bộ Nguyên tắc không đặc biệt ủng hộ một cơ cấu Hội đồng Quản trị nhất định nào và thuật ngữ “Hội đồng Quản trị” sử dụng trong Bộ Nguyên tắc nhằm bao quát các mô hình Hội đồng Quản trị khác nhau ở các quốc gia. Trong hệ thống hai cấp điển hình ở một số quốc gia, thuật ngữ “Hội đồng Quản trị” được sử dụng trong Bộ Nguyên tắc được sử dụng để chỉ “Ban Kiểm soát” trong khi “cán bộ điều hành chủ chốt” đề cập đến “Ban Điều hành”. Ở hệ thống Hội đồng Quản trị đơn nhất một cấp có giám sát của bộ phận kiểm toán nội bộ, các nguyên tắc áp dụng cho Hội đồng Quản trị, với những sửa đổi phù hợp, cũng có thể sử dụng được. Vì định nghĩa thuật ngữ “cán bộ điều hành chủ chốt” có thể khác nhau giữa các quốc gia và phụ thuộc vào bối cảnh, như liên quan đến thù lao hay giao dịch bên liên quan, Bộ Nguyên tắc để các quốc gia tự định nghĩa thuật ngữ này theo cách thiết thực nhằm đạt được kết quả mong muốn của Bộ Nguyên tắc. Trong văn bản, thuật ngữ “công ty” hay “doanh nghiệp” được dùng thay thế nhau. Trong suốt Bộ Nguyên tắc, thuật ngữ “các bên có quyền lợi liên quan” được sử dụng để chỉ những người có liên quan không phải là cổ đông, và bao gồm, ngoài những người khác, người lao động, chủ nợ, khách hàng, nhà cung cấp, và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Bộ Nguyên tắc được sử dụng rộng rãi như tài liệu tham chiếu ở các quốc gia trên khắp thế giới. Bộ Nguyên tắc cũng là một trong các Tiêu chuẩn Then chốt cho Hệ thống Tài chính Vững mạnh của Hội đồng Ổn định Tài chính, và là cơ sở để đánh giá cấu phần quản trị công ty trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Tình hình Tuân thủ Chuẩn mực và Nguyên tắc (ROSC). Bộ Nguyên tắc cũng được các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn quốc tế khác sử dụng làm tài liệu tham chiếu trong xây dựng hướng dẫn quản trị công ty của ngành, bao gồm Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng. Việc thực hiện Bộ Nguyên tắc được giám sát và hỗ trợ thông qua Sổ tay Thông tin về Quản trị Công ty của OECD, đánh giá phản biện về các chủ đề nhằm so sánh thông lệ giữa các quốc gia và các đánh giá về quản trị công ty ở khu vực và quốc gia.
Bộ Nguyên tắc được trình bày trong sáu chương: I) Bảo đảm cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; II) Quyền của cổ đông, đối xử công bằng với cổ đông, và các chức năng sở hữu cơ bản; III) Nhà đầu tư tổ chức, thị trường chứng khoán, và các trung gian khác; IV) Công bố thông tin và minh bạch; và V) Trách nhiệm của Hội đồng Quản trị; và VI) Bền vững và năng lực chống chịu.
Mỗi chương được mở đầu bằng một Nguyên tắc dưới dạng chữ in nghiêng đậm và theo sau là các Nguyên tắc và các Tiểu Nguyên tắc bổ trợ in đậm. Bộ Nguyên tắc cũng được bổ sung bởi những hướng dẫn chi tiết bao gồm phần dẫn giải các Nguyên tắc và các Tiểu Nguyên tắc nhằm giúp người đọc hiểu cơ sở của các Nguyên tắc. Phần dẫn giải cũng mô tả các xu thế quan trọng hoặc mới nổi và đưa ra các phương pháp thực hiện khác nhau và các ví dụ hữu ích khi áp dụng Bộ Nguyên tắc.