Việt Nam đã trải qua nhiều đợt nỗ lực tái cơ cấu DNNN khi đất nước thay đổi mô hình kinh tế sau công cuộc Đổi mới vào năm 1986. Tái cơ cấu DNNN là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và là trụ cột để nền kinh tế quốc dân đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Chương này đưa ra thông tin về những nỗ lực cải cách DNNN đã được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia. Sau đó, chương còn cung cấp một cái nhìn tổng quan về các kế hoạch của chính phủ trong tương lai để tiếp tục thực hiện các mục tiêu cổ phần hóa DNNN, bao gồm thông qua việc điều chỉnh sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Bộ hướng dẫn về DNNN của OECD.
Đánh giá của OECD về Quản trị Công ty trong Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam
6. Những cải cách đã và đang diễn ra gần đây
Abstract
Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước gắn liền với quá trình cải cách nền kinh tế Việt Nam, từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung có sự sở hữu nhà nước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện quá trình cải cách DNNN chủ yếu thông qua các biện pháp chuyển nhượng, bán, ký hợp đồng, cho thuê, giải thể doanh nghiệp và cổ phần hóa nhưng không đạt được thành công rực rỡ. Làn sóng tái cơ cấu DNNN thứ hai là từ năm 2010 đến 2015, được coi là một trong ba thành phần chính của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, cùng với tái cơ cấu đầu tư chú trọng vào đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.
Làn sóng cải cách DNNN lần thứ ba bắt đầu từ năm 2016, đáng chú ý là thông qua việc thành lập cơ quan quản lý DNNN, CMSC, vào năm 2018. Đầu năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021-2025) và Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2021-2030), trong đó nêu bật mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao đến năm 2030 và có thu nhập cao đến năm 2045. Những mục tiêu này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục sắp xếp lại các DNNN, tập trung vào những lĩnh vực chủ chốt và thiết yếu; những vực trọng yếu đối với quốc phòng và an ninh; những ngành mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Các chiến lược này có mục tiêu củng cố và phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh tại khu vực và quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kế hoạch là hoàn tất sắp xếp lại DNNN vào năm 2025.
Bảng 6.1. Những phát triển gần đây về quản trị công ty trong DNNN (2016-2021)
Ngày |
|
---|---|
2016 |
Thông qua Quyết định số 58/2016/QĐ/TTg về tiêu chí phân loại DNNN và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 |
2016 |
Thông qua Thông tư số 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC về cổ phần hóa |
2017 |
Thông qua Nghị quyết 121-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chiến lược phát triển kinh tế (2011-2020) |
2018 |
Thông qua Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ |
2018 |
Thông qua Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP |
2018 |
Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp |
2019 |
Thông qua Quyết định số 6/2019/QĐ/TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa đến năm 2020. |
2020 |
Thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 |
2021 |
Thông qua Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 |
2022 |
Thông qua Quyết định 360/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị giai đoạn 2021-2025 |
2022 |
Thông qua Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty |
Năm 2020, Bộ KH-ĐT khởi xướng đề án “Phát triển DNNN quy mô lớn”, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò của DNNN trong việc mở đường trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh tế lớn, được liệt kê tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/02/2020.
Đề án được khởi xướng từ năm 2017 từ Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của DNNN và chiến lược phát triển kinh tế (2011-2020), trong đó khẳng định rõ vai trò của DNNN “là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”. Sứ mệnh và mục tiêu đặt ra: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế”.
Đề án sẽ tập trung vào hai ưu tiên chính. Thứ nhất, cải cách và phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sử dụng nguồn lực chưa khai thác của DNNN, kết hợp với nguồn lực của khu vực tư nhân để điều phối. Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách cho phép DNNN tham gia đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mở đường và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Các lĩnh vực này bao gồm điện, xăng dầu và hàng không. Liệu điều này có ngụ ý cho phép ưu tiên tiếp cận hơn nữa với các khoản vay ngân hàng quốc doanh hay không vẫn chưa rõ ràng.
Kể từ tháng 11/2021, Bộ TC đã được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Luật số 69/QH13/2014 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để đảm bảo văn bản này tiệm cận hơn với Bộ Hướng dẫn DNNN của OECD. Các mục tiêu của dự án sửa đổi, bổ sung luật này bao gồm tăng cường khung thể chế, tạo một trường pháp lý thuận lợi cho việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ nộp dự thảo Luật sửa đổi vào cuối năm 2023, sau đó ban hành đầu năm 2024.
Đồng thời, Bộ TC đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-BTC năm 2020 về kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Theo đó, Bộ TC cần giám sát việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp từ năm 2021 tại hai bộ, ngành là Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát gián tiếp việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ các khoản thanh toán trái phiếu đặc biệt.
Thực hiện Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc rà soát Luật Đất đai, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ TC sẽ nghiên cứu và trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Cụ thể, Cục Tài chính doanh nghiệp có kế hoạch đánh giá lại các DNNN đang trong quá trình cổ phần hóa nhằm đảm bảo tính khả thi và bền vững về các quy định liên quan đến định giá doanh nghiệp và định giá quyền sử dụng đất đất, đồng thời tách bạch giữa giá trị quyền sử dụng đất và giá trị doanh nghiệp.
Gần đây nhất, ngày 12/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nghị quyết này thừa nhận rằng hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với các nguồn lực mà DNNN nắm giữ và rằng vẫn còn một số DNNN và dự án hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân, HĐTV và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp triển khai khẩn trương và hiệu quả các chỉ tiêu then chốt nhằm đẩy mạnh các dự án cải cách. Nghị quyết cũng yêu cầu DNNN thực hiện quản trị doanh nghiệp theo Hướng dẫn theo Hướng dẫn của OECD về Quản trị Công ty trong Doanh nghiệp Nhà nước (Xem Hộp 6.1). Tuy nhiên, Nghị quyết ủng hộ rõ ràng việc tạo “điều kiện thuận lợi” cho hoạt động kinh doanh của các DNNN, làm tăng lo ngại về tính trung lập trong cạnh tranh.
Bất chấp những nỗ lực không ngừng của chính phủ trung ương và các bộ chủ quản, việc cải cách DNNN ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, chủ yếu là do chưa phân định rõ vai trò và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và sự mơ hồ trong việc diễn giải nhiều điều luật và quy định. Cách thức Việt Nam ưu tiên cơ cấu lại DNNN vẫn còn được xem xét.
Bảng 6.2. Các dự thảo luật đang thực hiện về quản trị công ty trong DNNN
Bộ chịu trách nhiệm |
Luật đề xuất |
---|---|
Bộ LĐ-TBXH |
Dự thảo Nghị định về chính sách dành cho người lao động dư thừa khi chuyển đổi quyền sở hữu hoặc sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ |
Bộ TC |
Dự thảo Nghị định sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi quyền sở hữu doanh nghiệp |
Bộ LĐ-TBXH |
Dự thảo Nghị định về tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước |
Bộ TC |
Dự thảo Nghị định về tiêu chí và danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập |
Bộ TC |
Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021– 2025, cho phép cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp làm cơ sở thực hiện |
Bộ TC |
Sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. |
Hộp 6.1. Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN
Mục tiêu:
1. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
2. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Chú trọng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, kiên quyết tiết giảm chi phí, tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực điều hành, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên chức, người lao động.
3. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
4. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới hoặc có tính chất quan trọng của nền kinh tế như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi.
Đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:
1. 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD;
2. Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN;
3. Có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong Đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ;
4. 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon;
5. Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Nguồn: Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, Cổng thông tin điện tử Pháp luật Việt Nam, https://thuvienphapluat.vn/