Kể từ sau Cuộc Đổi mới những năm 1980, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, phần lớn nhờ vào mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chương này tóm tắt quá trình Việt Nam thực hiện cải cách để tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng như quá trình Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn toàn cầu.
Đánh giá của OECD về Quản trị Công ty trong Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam
1. Bối cảnh kinh tế và chính trị của Việt Nam
Abstract
1.1. Bối cảnh kinh tế và chính trị
1.1.1. Kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong 30 năm qua, chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng gần sáu lần trong vòng 34 năm, tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á (OECD, 2020[1]). Việt Nam gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực trong ba năm vừa qua, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hội nhập sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kể từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã và đang được tái cơ cấu, chuyển từ nền kinh tế sản xuất lấy nông nghiệp làm trung tâm sang nền kinh tế sản xuất hiện đại, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quá trình quốc tế hóa diễn ra nhanh chóng. Xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ 106% trong 5 năm qua, và tính đến năm 2020, tỷ trọng thương mại (xuất nhập khẩu) của Việt Nam trong GDP là 200%, đây là một trong những mức cao nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến quan trọng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký trung bình mỗi tháng đạt 3 tỷ USD do Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất và lắp ráp chính trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu (World Bank, 2022[2]). Kể từ năm 1990, Việt Nam đã thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình lên tới 6% GDP mỗi năm, cao hơn hai lần mức trung bình của toàn cầu (OECD, 2020[1]).
Bảng 1.1. Các chỉ tiêu kinh tế và xã hộ i đư ợ c chọ n (2017-2021)
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
|
---|---|---|---|---|---|
GDP, giá hiện hành (tính theo tỷ USD) |
281,3 |
308,7 |
330,3 |
343,2 |
362,2 |
GDP bình quân đầu người, giá hiện hành (tính theo USD) |
2 874 |
3 231 |
3 424 |
3 526 |
3 694 |
Tăng trưởng GDP thực tế (% mỗi năm) |
6,8 |
7,1 |
7,0 |
2,9 |
2,6 |
Tỷ lệ lạm phát, giá tiêu dùng bình quân (% hàng năm) |
3,5 |
3,5 |
2,8 |
3,2 |
1,8 |
Tỷ lệ tổng nợ công quốc gia (tính theo % GDP) |
46,3 |
43,7 |
43,6 |
46,3 |
47,9 |
Số dư tài khoản vãng lai (cán cân thanh toán, tỷ USD hiện hành) |
-1,6 |
5,9 |
13,1 |
15,6 |
-3,81 |
Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người, theo sức mua tương đương (tính theo USD hiện hành) |
6 610 |
7 270 |
7 840 |
8 150 |
|
Tỷ lệ đói nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (tính theo % tổng dân số) |
6,7 |
Nguồn: Tổng hợp của OECD dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới https://databank.worldbank.org/, Dữ liệu kinh tế của CEIC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổng cục Thống kê Việt Nam
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong các hiệp định đầu tư và thương mại quốc tế được ký kết gần đây là đưa các lĩnh vực trong nước trước đây được bảo hộ (ví dụ: tài chính; bán lẻ) ra cạnh tranh với nước ngoài và thúc đẩy các lĩnh vực đó trong nền kinh tế Việt Nam tập trung vào nhu cầu trong nước. Điều này có thể kích hoạt chuyển đổi các lĩnh vực và cho phép mở rộng nguồn vốn FDI đổ vào từ việc xây dựng các cơ sở sản xuất chi phí thấp ở Việt Nam, cho đến các chiến lược thương mại trên phạm vi rộng hơn, tận dụng thị trường nội địa rộng lớn của Việt Nam. Hiệu quả ngắn hạn là nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng thông qua nguồn cung rẻ hơn từ thực phẩm thiết yếu cho đến dược phẩm, trong khi đó các doanh nhân Việt Nam dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn.
Những thách thức chính trong việc tối đa hóa lợi ích từ sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài là nâng cấp các công ty trong nước để nắm bắt phần lớn hơn trong chuỗi giá trị doanh nghiệp và chuyển sang các hoạt động ứng dụng công nghệ cao hơn và gia tăng giá trị cao hơn. Đối với các DNNN nói chung và mối liên kết của họ với khu vực doanh nghiệp tư nhân mới nổi nói riêng, vẫn còn những hạn chế do sự thống trị của DNNN trong một số lĩnh vực, bao gồm các ngành khai thác, điện, viễn thông và tài chính. Dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều cuộc cải cách khác chủ yếu thông qua cổ phần hóa nhiều công ty hơn.
1.1.2. Chính phủ
Sau khi Chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, đất nước được cấu trúc theo mô hình tổ chức nhà nước và kinh tế Liên Xô, đi theo nền kinh tế kế hoạch hóa và tập thể hóa trong nông nghiệp, tăng cường tích lũy vốn, với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng do các DNNN thúc đẩy. Tuy nhiên, việc theo đuổi ban đầu mô hình kế hoạch hóa tập trung và tự lực làm các nguyên tắc quản lý kinh tế đã nhanh chóng được chứng minh là không khả thi. Đảng Cộng sản với vai trò đứng đầu Chính phủ đã quyết định thực hiện công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, trong đó lấy thị trường là nguyên tắc tổ chức của nền kinh tế. Hệ thống ngày nay được gọi là nền kinh tế thị trường pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường.
Tổ chức chính trị và hành chính vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa với Đảng Cộng sản Việt Nam là thể chế tối cao (OECD, 2020[1]). Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 đã trao cho Nhà nước thực hiện quyền sở hữu với tư cách là đại diện chủ sở hữu của toàn dân. Như vậy, Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ sở hữu đất đai. Cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo quy định của pháp luật. Người nước ngoài có thể giữ quyền sử dụng đất lên đến 50 năm trong khi người dân trong nước có thể giữ quyền sử dụng đất vô thời hạn (Quoc Thai, 2021[3]).
Sự phân chia quyền lực của nhà nước như sau. Đảng Cộng sản, thông qua Tổng Bí thư, dẫn dắt hệ thống tư tưởng và chính trị của Nhà nước. Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân; các đại biểu quốc hội được nhân dân bầu ra năm năm một lần. Chủ tịch nước là Nguyên thủ Quốc gia do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ là Người đứng đầu Chính phủ; bên cạnh Thủ tướng Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên cấp cao khác của Đảng. Chính phủ có nhiệm kỳ 5 năm như Quốc hội.
Về Đảng Cộng sản, cùng với Tổng Bí thư, tập thể lãnh đạo gồm bốn thành viên được gọi là “tứ trụ” tạo thành Bộ Chính trị. Các thành viên mới của Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần lượt kết thúc vào tháng 2 và tháng 5 năm 2021. Tổng Bí thư vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước, Thủ tướng mới Phạm Minh Chính được bầu, nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội.
1.1.3. Hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật Việt Nam dựa trên luật dân sự được thiết lập trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước và có hiệu lực pháp lý cao nhất, chỉ có thể được Quốc hội sửa đổi dựa trên ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Trong 30 năm qua, đã có ba lần sửa đổi Hiến pháp, bao gồm ban hành Hiến pháp năm 1992 thay thế Hiến pháp năm 1980; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001 và ban hành Hiến pháp năm 2013 (OECD, 2020[1]).
Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm ba yếu tố cơ bản: 1) quy phạm pháp luật (đơn vị cơ bản của hệ thống pháp luật), 2) nhóm quy phạm pháp luật (nhóm các quy phạm pháp luật có đặc điểm giống nhau và điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội tương tự nhau), 3) ngành luật (hệ thống các quy phạm pháp luật có cùng chuyên ngành, điều chỉnh một loại quan hệ xã hội trong một lĩnh vực xã hội nhất định). Hệ thống tư pháp bao gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, các Tòa án Nhân dân địa phương, Tòa án Quân sự và các tòa án khác được thành lập theo pháp luật. Các ngành luật khác nhau chuyên về các lĩnh vực luật bao gồm (nhưng không giới hạn) luật tài chính, lao động, thương mại và hành chính.
1.1.4. Môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện trong những năm qua. Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Việt Nam đứng thứ 67 trong số 141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm trước, trở thành quốc gia có mức cải thiện cao nhất vào năm 2019 (OECD, 2020[1]). Điểm Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 61,543 điểm vào tháng 12 năm 2019 (OECD, 2020[1]) (Xem Hình 1.2).
Đồng thời, Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, đặc biệt là về các chỉ số phụ như sự thuận lợi (hoặc khó khăn) đối với việc khởi nghiệp, nộp thuế, giải quyết tình trạng vỡ nợ và kinh doanh xuyên biên giới. Ví dụ: Việt Nam chỉ đạt 85,1 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 115 về Điểm Khởi nghiệp. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp tại Việt Nam mất 384 giờ để nộp thuế, so với 64 giờ ở Singapore, 174 giờ ở Malaysia và 191 giờ ở Indonesia. Về Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có điểm thấp hơn Indonesia, Malaysia và các nước có thu nhập cao trong OECD về khả năng bảo hộ các nhà đầu tư thiểu số.
Gần đây, Chính phủ đã thực hiện một số bước để cải thiện chỉ số này. Việt Nam đã có sự cải thiện về hiệu quả của các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt liên quan đến các cải cách về cơ cấu nhằm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này giúp các doanh nghiệp giảm mức thuế phải nộp và đẩy nhanh các quy trình thương mại. Với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 và Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020, và Hiệp định RCEP có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2021, Việt Nam đang tiến hành một số cải cách để tiếp tục hoàn thiện tự do hóa và thúc đẩy thương mại và đầu tư.
1.1.5. Thị trường vốn.
Năm 2000, thị trường chứng khoán đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động thông qua việc thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), tiếp theo là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2005. Hai trung tâm lần lượt được nâng cấp thành sở giao dịch chứng khoán lần lượt vào năm 2007 và 2009. Giá trị vốn hóa thị trường của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) năm 2020 đã vượt 170 tỷ USD trong khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ dưới 10 tỷ USD. Một trong những lý do chính dẫn đến khoảng cách đáng kể này là do Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là một thị trường năng động và sôi động hơn, thu hút các công ty lớn niêm yết; trong khi thủ đô chính trị Hà Nội có xu hướng thu hút các công ty nhỏ hơn niêm yết.
Trong những năm gần đây, các thị trường vốn cổ phần tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với tổng quy mô thị trường tăng từ dưới 40% GDP vào năm 2011 lên 104% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, các thị trường này vẫn còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực và các quốc gia khác (Hình 1.3). Về bản chất, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa vào ngân hàng với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm 32% tổng tài sản tài chính, trong khi các tổ chức tín dụng chiếm 67% (OECD, 2020[1]).
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây của OECD về thị trường vốn cổ phần châu Á chỉ ra rằng Việt Nam vẫn chưa hội nhập tốt với thị trường vốn toàn cầu. Thị trường vốn vẫn chưa đủ phát triển để dẫn nguồn lực vào khu vực tư nhân trong nước một cách hiệu quả, và thị trường trái phiếu chủ yếu hướng tới vay vốn của khu vực công. Trong khi các nền kinh tế ASEAN khác chiếm thị phần nhất định trong Chỉ số Thị trường Mới nổi của MSCI (Chỉ số MSCI EM), Việt Nam vẫn được coi là “thị trường cận biên” và không có mặt trong Chỉ số này (OECD, 2020[1]). Đồng thời, số lượng các công ty Việt Nam được niêm yết là khá lớn so với tiêu chuẩn khu vực (Hình 1.4). Vì vậy, khi thị trường phát triển và việc định giá các công ty niêm yết có thể làm tăng quy mô và tầm quan trọng của thị trường chứng khoán được dự kiến sẽ phát triển, điều này được hỗ trợ bởi mục tiêu của chính phủ là đạt được vị thế thị trường mới nổi vào năm 2025 và Luật Chứng khoán mới dự kiến cho phép các công ty đại chúng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) lên 50% trở lên hoặc xóa bỏ giới hạn này khi được UBCKNN chấp thuận, ngoại trừ các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia. Cũng cần lưu ý rằng trong những năm gần đây, các khoản đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư bán lẻ bùng nổ trên thị trường chứng khoán, với gần 400.000 tài khoản giao dịch mới được mở chỉ trong năm 2020 (VN Economy, 2021[4]).
Nguồn: Cơ sở dữ liệu của Hiệp hội các Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới
Các thị trường vốn cổ phần vẫn tiếp tục duy trì hình thức sở hữu nhà nước. Trong khi có một hiện tượng phổ biến là các sở giao dịch chứng khoán hoạt động tại các nền kinh tế tiên tiến đã chuyển sang niêm yết trên sàn giao dịch riêng của mình, thì các sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam vẫn được điều hành như tổ chức nhà nước. Khu vực công là chủ sở hữu quan trọng của các công ty niêm yết lớn với tỷ lệ nắm giữ 28% vốn tại 100 công ty niêm yết lớn nhất tại Việt Nam. Các công ty tư nhân nắm giữ 30% vốn. Các nhà đầu tư tổ chức chỉ nắm giữ 6% vốn, và các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 8,3% vốn (Van&Nghia, 2021[5]).
Cuối cùng, một thị trường thay thế gọi là UPCoM (Thị trường Công ty Đại chúng Chưa niêm yết) được BTC, UBCKNN và HNX cho ra mắt vào tháng 6 năm 2009 với 10 công ty ban đầu nhằm điều tiết cổ phiếu “phi tập trung” và trái phiếu chuyển đổi của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Mục tiêu cuối cùng của UPCoM là thiết lập một thị trường chính thức để giao dịch cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết và giảm hoạt động trên thị trường “phi tập trung” không chính thức. Việc nhận cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi của một công ty đại chúng để giao dịch trên UPCoM là bắt buộc đối với tất cả các công ty đại chúng. Cổ phiếu của các công ty đại chúng phải được đăng ký với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) (OECD, 2019[6]).
Tài liệu tham khảo
[1] OECD (2020), Multi-dimensional Review of Viet Nam: Towards an Integrated, Transparent and Sustainable Economy, OECD Development Pathways, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/367b585c-en.
[6] OECD (2019), Corporate Governance Frameworks in Cambodia, Lao PDR, Myanmar and Viet Nam, https://www.oecd.org/daf/ca/Corporate-Governance-Frameworks-Cambodia-Lao-PDR-Myanmar-Viet-Nam.pdf.
[3] Quoc Thai, L. (2021), “Entire People Ownership Regime on Land and the Nature of Land Use Rights in Vietnam”, International Journal of Scientific Research and Management, Vol. 9(07), pp. 349–358, https://doi.org/10.18535/ijsrm/v9i7.lla01.
[5] Van&Nghia (2021), “Impacts of ownership structure on stock price synchronicity of listed companies on Vietnam stock market”, Cogent Business & Management, https://doi.org/10.1080/23311975.2021.1963178.
[4] VN Economy (2021), Dung ky vong goi ty UDS kich thi truong chung khoan bung no, https://vneconomy.vn/dung-ky-vong-goi-ty-usd-kich-thi-truong-chung-khoan-bung-no.htm (accessed on 28 September 2022).
[2] World Bank (2022), Economic Update for Viet Nam, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2022/08/08/vietnam-s-economy-forecast-to-grow-7-5-in-2022-new-world-bank-report-says.