Chương này xem xét các thông lệ của quốc gia dựa trên Chương IV của Bộ hướng dẫn về DNNN của OECD về việc đối xử bình đẳng với các cổ đông và các nhà đầu tư khác. Chương này xem xét chính sách đối thoại và tham vấn với các cổ đông ngoài nhà nước, sự tham gia của các cổ đông thiểu số trong các cuộc họp cổ đông và sự tham gia của các DNNN vào các dự án hợp tác như liên doanh và đối tác công tư.
Đánh giá của OECD về Quản trị Công ty trong Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam
10. Đối xử bình đẳng với cổ đông và các nhà đầu tư khác
Abstract
Khuyến nghị tổng thể từ Bộ Hướng dẫn DNNN
Trường hợp DNNN được niêm yết hoặc nếu không niêm yết nhưng có nhà đầu tư phi nhà nước, Nhà nước và DNNN cần công nhận quyền của mọi cổ đông và đảm bảo quyền được đối xử công bằng và tiếp cận thông tin về doanh nghiệp của cổ đông.
10.1. Đảm bảo đối xử bình đẳng với cổ đông
Nhà nước nên nỗ lực hướng đến việc thực hiện đầy đủ Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty OECD khi Nhà nước không phải là chủ sở hữu duy nhất của DNNN, và trong trường hợp nhà nước là chủ sở hữu duy nhất của DNNN, nên nỗ lực thực hiện tất cả những phần phù hợp trong Bộ Nguyên tắc. Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm. A1. Nhà nước và DNNN phải đảm bảo rằng mọi cổ đông được đối xử công bằng;
Theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, cổ đông ngoài nhà nước trong DNNN có quyền, lợi ích hợp pháp giống như cổ đông của các công ty khác và giống với Nhà nước về quyền biểu quyết, quyền chất vấn và tỷ lệ cổ tức.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, nếu một DNNN chào bán cổ phiếu ưu đãi thì quyền, nghĩa vụ liên quan đến cổ phiếu đó phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và công bố đầy đủ cho tất cả các cổ đông. Luật này quy định rằng cổ đông ngoài nhà nước phải được tiếp cận đầy đủ thông tin do DNNN công bố và họ có quyền yêu cầu đình chỉ hoặc bãi bỏ các nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT.
Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, quy định về biện pháp trao quyền cho các cổ đông nhỏ trong công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp 2014 trước đây quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần trong thời hạn ít nhất 6 tháng mới được quyền can thiệp vào quản trị, giám sát công ty. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải nắm giữ ít nhất 1% cổ phần trong thời hạn ít nhất 06 tháng mới có quyền khởi kiện thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc nhân danh chính họ hoặc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã hạ tỷ lệ sở hữu nói trên từ 10% xuống 5% để cho phép cổ đông xem xét, tra cứu và có được các số liệu hoặc tài liệu quan trọng của doanh nghiệp, yêu cầu Ban kiểm soát (BKS) kiểm tra hoạt động của công ty hoặc triệu tập đại hội đồng cổ đông.
Cổ đông và nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% tổng số cổ phần vẫn được độc quyền đề cử thành viên HĐQT và BKS. Cổ đông nắm giữ ít nhất 1% tổng số cổ phần được phép khởi kiện ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp mới nhất không còn yêu cầu các cổ đông này phải nắm giữ cổ phần của họ trong vòng ít nhất 06 tháng. Việc bãi bỏ yêu cầu này đã mang lại một sự thay đổi tích cực cho cổ đông nhỏ, cho phép họ lên tiếng ngay từ giai đoạn quan tâm tìm hiểu về công ty thay vì phải đợi sáu tháng và bỏ lỡ nhiều sự kiện có thể diễn ra.
Theo các luật có liên quan, điều lệ tổ chức, hoạt động của DNNN phải có quy định khuyến khích cổ đông nhỏ chất vấn và trình bày ý kiến trước cơ quan quản lý và sở hữu DNNN. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69 không quy định việc nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong DNNN, cổ đông nhà nước chiếm tỷ lệ lớn, bình quân trên 50% nên có vai trò chi phối trong các quyết định của đại hội đồng cổ đông. Nhóm công tác OECD được biết, trên thực tế không có biện pháp bảo vệ cụ thể nào đối với các nhà đầu tư thiểu số trong công ty cổ phần hóa; tất cả quyết định quan trọng đều do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đưa ra bằng hình thức biểu quyết đa số đơn giản. Đồng thời, nhà nước có thể sử dụng cổ phần ưu đãi (ví dụ: “cổ phần vàng”) theo Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020 về “cổ phần ưu đãi biểu quyết” được gắn kèm số phiếu biểu quyết cao hơn cổ phần phổ thông. Dưới đây là các điều khoản liên quan:
Khoản 1 Điều 116: Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết của cổ phần ưu đãi biểu quyết do các tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ sẽ được quy định trong Điều lệ Công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Khoản 3 Điều 116: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
Nhóm công tác của OECD được biết, mặc dù Chính phủ thừa nhận rằng quy tắc cổ phần vàng có thể ngăn cản việc bán DNNN thiết yếu vì lợi ích quốc gia cho nhà đầu tư ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, nhưng trên thực tế, quy tắc này vẫn chưa được thực thi. Tất cả các Bộ, cơ quan chính phủ từng tương tác với OECD đều khẳng định rằng họ không biết bất kỳ trường hợp nào mà Nhà nước nắm giữ cổ phần vàng trong một công ty. Chương tiếp theo của báo cáo đánh giá việc công bố thông tin và tính minh bạch của DNNN cũng chỉ ra rằng DNNN không công bố bất kỳ thông tin nào về cổ phần vàng hoặc quyền phủ quyết đối với các quyết định doanh nghiệp trong báo cáo định kỳ về quản lý hoạt động kinh doanh của công ty.
Hộp 10.1. Các quy định chung của Luật Doanh nghiệp 2020 về bảo vệ quyền, lợi ích của cổ đông thiểu số
Luật Doanh nghiệp 2020 đặt ra quy định chung về công ty cổ phần (có hoặc không có cổ đông Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ) bao gồm một số điều bảo vệ quyền, lợi ích của cổ đông thiểu số như sau:
Các lợi ích liên quan đến tài sản:
Khoản 1 Điều 115 và Khoản 1 Điều 124: cổ đông được ưu tiên mua thêm cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của mình trong công ty.
Khoản 1 Điều 115: Chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 132: Cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Các lợi ích liên quan đến quản trị công ty:
Khoản 2 Điều 115: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ Công ty có quyền sau đây: Xem xét và trích các biên bản họp, nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính bán niên và thường niên, báo cáo của BKS, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật kinh doanh của công ty; yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ; yêu cầu BKS kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết; các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ Công ty.
Khoản 5 Điều 115: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ Công ty có quyền đề cử người vào HĐQT và BKS.
Các lợi ích liên quan đến thông tin: Công ty cổ phần phải công bố thông tin theo Điều 164.
Các lợi ích liên quan đến khôi phục quyền:
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ Công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần nghị quyết HĐQT nếu thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm quy định của Luật này và Điều lệ Công ty, hoặc nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ Công ty (Điều 151).
Điều 166: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền nhân danh bản thân hoặc công ty khởi kiện thành viên HĐQT hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác.
Nguồn: Tài liệu đệ trình của Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam
10.1.1. Quy tắc và thủ tục giao dịch giữa các DNNN
Không có quy định đặc biệt nào liên quan đến giao dịch giữa các DNNN. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hàng hóa và dịch vụ xây dựng và lắp đặt cho các dự án đầu tư phát triển mà Nhà nước hoặc DNNN chiếm tỷ lệ chi phí vốn tối thiểu 30% được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu. Dự án đầu tư sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; tài sản thương mại và dịch vụ; hoặc khu phức hợp đa mục tiêu, đa năng để kinh doanh và dự án PPP được thực hiện theo quy định về lựa chọn nhà thầu trong Luật Đấu thầu.
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định cụ thể khả năng áp dụng và cách thức xác định tác nhân có giao dịch liên kết. Nghị định số 132/2020/NĐ-CP áp dụng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và có giao dịch với các bên liên quan.
10.1.2. Các phương án khắc phục khả thi của cổ đông thiểu số khi họ cho rằng quyền của mình bị vi phạm
Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm lợi ích chung và lợi ích riêng, cổ đông nhỏ có thể kiến nghị lên hội đồng quản trị, cơ quan sở hữu của DNNN, bộ chủ quản và Chính phủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Khiếu nại và Tố cáo. Cổ đông thiểu số có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài xem xét tuyên bố vô hiệu một phần hoặc toàn bộ nghị quyết HĐQT theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có thể nhân danh bản thân hoặc công ty khởi kiện dân sự đối với các thành viên HĐQT, Ban Điều hành, Tổng Giám đốc trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
A.2. [Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm:] DNNN cần đảm bảo mức độ minh bạch cao, thông thường bao gồm việc công bố công bằng và đồng thời các thông tin, đối với mọi cổ đông;
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông có quyền xem và nhận biên bản họp, nghị quyết và quyết định của HĐQT, yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ và yêu cầu BKS điều tra các vấn đề cụ thể về quản lý và điều hành.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tất cả cổ đông của DNNN có quyền tiếp cận thông tin thông qua hoạt động công bố thông tin của công ty cổ phần (Điều 164). Cổ đông được quyền tiếp cận báo cáo tài chính, đánh giá định kỳ hoạt động kinh doanh và đấu thầu mua sắm của DNNN, nhận xét và biểu quyết về kế hoạch hoạt động, đấu thầu mua sắm trong tương lai tại ĐHĐCĐ, nhận nghị quyết của HĐQT hoặc chỉ định đại diện tham gia HĐQT và BKS (Điều 115). Tất cả cổ đông của DNNN có quyền tiếp cận thông tin để ra quyết định đầu tư, đề xuất khuyến nghị với HĐQT của DNNN và các cơ quan có thẩm quyền.
A.3. [Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm:] DNNN phải xây dựng chính sách chủ động về truyền thông và tham vấn ý kiến mọi cổ đông;
Các tiêu chuẩn về truyền thông và tham vấn của DNNN với tất cả cổ đông được phản ánh một phần trong các chính sách pháp luật cụ thể. Ví dụ, Luật số 69 năm 2014 quy định người đại diện phần vốn nhà nước có nghĩa vụ đánh giá, báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hằng quý của DNNN cho cơ quan sở hữu. DNNN phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh cho cơ quan sở hữu và Bộ TC tổng hợp kết quả và báo cáo Chính phủ. DNNN cũng phải gửi báo cáo về việc thay đổi vốn điều lệ cho Bộ Tài chính. DNNN chịu sự giám sát của Quốc hội, thanh tra Chính phủ, thanh tra của các bộ, ngành về tình hình hoạt động.
Theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, DNNN phải tuân theo quy định pháp luật hiện hành như công ty cổ phần. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ sẽ được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng và tài liệu về các vấn đề phải được gửi cho cổ đông ít nhất 21 ngày trước ngày diễn ra đại hội kèm theo ý kiến đóng góp của cổ đông được thu thập bằng văn bản. HĐQT của DNNN có khả năng xác định những cổ đông không phải là cổ đông nhà nước thông qua sổ đăng ký cổ đông (do doanh nghiệp lập và lưu giữ) hoặc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) (nếu doanh nghiệp đã đăng ký chứng khoán với VSDC). Nếu không tính đến các quy định trên, tất cả cổ đông sẽ nhận được thông tin một cách công bằng theo quy định của Pháp luật.
A.4. [Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm:] Phải tạo điều kiện cho sự tham gia của cổ đông thiểu số vào các cuộc họp cổ đông sao cho cổ đông có thể tham gia vào các quyết định quan trọng của doanh nghiệp như bầu cử HĐQT;
Điều 15, 141, 143 và 144 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ về quyền tham gia ĐHĐCĐ của tất cả cổ đông (kể cả cổ đông ngoài nhà nước). Cổ đông ngoài nhà nước có thể biểu quyết khi vắng mặt và/hoặc ủy quyền cho người khác tham dự, biểu quyết thay mặt cho mình theo Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp. Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép các hình thức biểu quyết thay thế đối với cổ đông không có mặt trực tiếp tại ĐHĐCĐ.
Cổ đông có thể đề cử thành viên vào HĐQT theo khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp. Theo Điều 115 và 166, công ty cổ phần (kể cả công ty có vốn nhà nước) cho phép áp dụng biểu quyết dồn phiếu để bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. ĐHĐCĐ và/hoặc HĐQT có thể tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi ra quyết định liên quan đến các vấn đề kỹ thuật đặc thù trong một số trường hợp.
Cổ đông ngoài nhà nước bình đẳng với cổ đông nhà nước trong việc đề cử thành viên HĐQT, điều này phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nắm giữ trong một DNNN. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở xuống, theo quy định của Điều lệ Công ty, được đề cử thành viên HĐQT. Biểu quyết dồn phiếu là quy trình được sử dụng để bầu thành viên HĐQT, trong đó tổng số phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông bằng tổng số cổ phần mà họ nắm giữ nhân với tổng số ứng cử viên HĐQT. Cổ đông có thể đặt toàn bộ hoặc một phần phiếu bầu của mình vào một hoặc nhiều ứng cử viên.
Hộp 10.2. Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020 về trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty
Người đại diện theo ủy quyền nhân danh chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty theo quy định của Luật này. Mọi hạn chế của chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty tương ứng tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba.
Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty cử đại diện.
Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty cử đại diện hoàn thành trách nhiệm quy định tại Điều này. Chủ sở hữu/thành viên/đối tác/cổ đông công ty cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba về hoạt động người đại diện theo ủy quyền.
Nguồn: Luật Doanh nghiệp năm 2020, https://thuvienphapluat.vn/.
A.5. [Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm:] Giao dịch giữa nhà nước và DNNN, và giữa các DNNN, cần thực hiện theo các điều khoản nhất quán của thị trường.
Theo quy định của pháp luật, điều lệ tổ chức, hoạt động của nhiều DNNN quy định hạn mức giao dịch của DNNN với các tổ chức khác dựa trên tỷ lệ giá trị giao dịch/vốn điều lệ của DNNN, định giá và thẩm định khách hàng, thẩm quyền quyết định giá trị giao dịch tại DNNN để đảm bảo quản lý rủi ro trong kinh doanh, tránh thao túng lợi ích và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ.
Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hàng hóa, dịch vụ xây dựng và lắp đặt cho các dự án đầu tư phát triển mà Nhà nước hoặc DNNN chiếm tỷ lệ chi phí vốn tối thiểu 30% được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Dự án đầu tư sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; tài sản thương mại và dịch vụ; hoặc khu phức hợp đa mục tiêu, đa năng để kinh doanh và dự án PPP được thực hiện theo quy định về lựa chọn nhà thầu trong Luật Đấu thầu.
Các cơ chế đảm bảo giao dịch giữa nhà nước và DNNN diễn ra theo các điều khoản phù hợp với thị trường được quy định một phần, rời rạc trong Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và các luật có liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Thuế, v.v.).
Theo quy định của pháp luật, mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và DNNN phải là quan hệ bình đẳng, tự nguyện, đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Trong trường hợp có sự cố (như thay đổi giá nguyên vật liệu) ảnh hưởng đến chất lượng công việc, DNNN có thể gửi khuyến nghị cho cơ quan sở hữu và Chính phủ để xem xét, quyết định. Dựa trên quy định của pháp luật và việc xác định chính xác các điều kiện khách quan liên quan đến công việc, cơ quan nhà nước có thể đưa ra giải pháp điều chỉnh hợp đồng trong phạm vi thẩm quyền hoặc trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
10.2. Tuân thủ quy tắc quản trị công ty
B. Bộ quy tắc quản trị công ty của quốc gia phải được tất cả các DNNN niêm yết, và trong trường hợp khả thi, cả những DNNN chưa niêm yết, tuân thủ
Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất được ban hành lần đầu vào tháng 08 năm 2019 nhưng chưa áp dụng cho các DNNN chưa cổ phần hóa. Không có quy định riêng biệt về quản trị công ty trong DNNN, bao gồm DNNN chưa niêm yết. Các yêu cầu về quản trị công ty mà DNNN phải tuân thủ được quy định một cách manh mún trong Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; quy chế quản trị công ty của công ty đại chúng,... DNNN là công ty đại chúng phải tuân theo quy chế quản trị công ty đại chúng do Bộ Tài chính ban hành.
10.3. Công bố thông tin về mục tiêu chính sách công
C. Trường hợp DNNN được yêu cầu phải thực hiện các mục tiêu chính sách công, thông tin đầy đủ về nội dung này phải luôn sẵn có đối với cổ đông phi nhà nước
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Chứng khoán, trong trường hợp DNNN phải thực hiện các chính sách công theo yêu cầu của Nhà nước, DNNN phải thông báo đầy đủ cho các cổ đông ngoài nhà nước, trừ những lĩnh vực mà luật pháp có liên quan không cho phép thông báo. Nếu DNNN là công ty cổ phần thì phải tuân thủ quy định về công bố thông tin tại Điều 164 Luật Doanh nghiệp 2020.
10.4. Liên danh và đối tác công tư
D. Khi DNNN tham gia các dự án hợp tác như liên danh và mô hình đầu tư Công - tư, bên tham gia hợp đồng phải bảo đảm tôn trọng các quyền lợi theo hợp đồng và kịp thời giải quyết tranh chấp một cách khách quan
Khi DNNN tham gia vào các dự án hợp tác, DNNN thường tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP) và liên danh dưới hình thức thành lập công ty mới là công ty con của DNNN (có tư cách pháp nhân riêng biệt). Trong trường hợp gặp phải khó khăn hoặc tranh chấp, về nguyên tắc, cơ quan có thẩm quyền phải đánh giá và ra quyết định dựa trên hoạt động của pháp nhân mới này, có xem xét quyền lợi của cổ đông DNNN và các cổ đông khác trong trường hợp không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của DNNN.
Hiện nay, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật PPP đã được ban hành để điều chỉnh và kiểm soát các hình thức liên danh của tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó có DNNN. Cả DNNN và doanh nghiệp tư nhân đều hoạt động tuân thủ các quy định của (Luật) Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong tất cả hình thức liên danh, hợp tác đầu tư và PPP, tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả DNNN, đều được đối xử bình đẳng trên cơ sở thỏa thuận/hợp đồng giữa các bên. Pháp luật bảo vệ mọi thỏa thuận theo hợp đồng (nếu không trái với quy định của pháp luật). Trong tất cả các hợp đồng liên danh, hợp tác đầu tư, PPP đều có quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận giữa các bên tham gia hợp đồng như hòa giải, trọng tài, tòa án. Đây là thông lệ phổ biến đối với hợp đồng giữa các doanh nghiệp nhằm đảm bảo tranh chấp hợp đồng được giải quyết một cách công bằng trước pháp luật.